Nhu cầu thuê thám tử trong xã hội đang ngày càng nhiều, nhất là ở những đô thị lớn. Những thám tử tư Sài Gòn vẫn ngày đêm rong ruổi trên khắp các nẻo đường đáp ứng nhu cầu của đời sống thị dân, cho dù nghề thám tử vẫn chưa được luật pháp thừa nhận

Thân phận thám tử

Thám tử Sơn (Công ty MD) cho biết anh đã đeo đuổi nghề được hơn bốn năm, hoàn toàn không vì lý do kinh tế mà xuất phát từ chính niềm đam mê được làm thám tử có từ thời thơ ấu. Tốt nghiệp cử nhân Anh văn, đang làm cho một công ty thiết bị viễn thông của Đức, nhưng biết Công ty MD có dịch vụ điều tra thông tin, anh bỏ ngang để đi làm thám tử.

Anh từng làm được nhiều “phi vụ” thành công, có hợp đồng được thân chủ thưởng tiền triệu. Cách nay hơn năm tháng, trong khi đang say sưa theo dõi một “phi vụ đêm” suốt một tuần lễ thì ở nhà kẻ trộm lẻn vào cuỗm sạch tiền bạc, nữ trang trị giá gần 100 triệu đồng mà hai vợ chồng dành dụm cả chục năm qua.

Vợ anh giận tím người, chì chiết: “Anh đi theo dõi người khác thì hay lắm, còn nhà bị mất trộm sao anh không thử điều tra ra thủ phạm đi cho mẹ con tôi nhờ!”. Thám tử Sơn chỉ còn biết đi… báo công an!

Thám tử L.H.D. đang tác nghiệp – Ảnh: PHI LONG

Thám tử Long do nghề nghiệp nên hành tung rất bí mật, ăn mặc chải chuốt hơn trước, điện thoại di động reo liên tục và đa số là giọng nữ. Lại có người quen thấy anh đã mấy lần vào các quán cà phê “tâm sự to nhỏ” với mấy bà sồn sồn nên vợ anh nổi cơn ghen mấy bận, có lần định kéo lực lượng đi đánh… thân chủ của chồng mình. “Tôi là thám tử, vậy mà cô ấy hoàn toàn không tin trên đời này có nghề thám tử, cứ nói tôi bịa chuyện để đi hẹn hò!” – thám tử Long tâm sự.

Thám tử Long đã từng bị một ông chồng có máu giang hồ đánh một trận thừa sống thiếu chết; thám tử Bảo ăn dầm nằm dề trong khách sạn cả tháng “cháy túi” mà vẫn không tài nào chụp được bức ảnh một quí ông đi “ăn vụng”; thám tử Sơn theo đám quí tử đi đua xe bị xe tông gãy chân; thám tử Hà bị đám trẻ choai choai quấy rối tình dục mà vẫn không thể tiết lộ thân phận…

Nguy hiểm, tai nạn nghề nghiệp có thể xảy ra bất kỳ lúc nào với thám tử. Nhưng như thám tử Sơn tâm sự: “Nhiều lúc tôi không hiểu vì sao mình theo nghề này, quá nguy hiểm, lại chưa được xã hội thừa nhận, vợ con nhiều lúc không tin. Dẫu vậy, trong hành nghề, chúng tôi luôn biết dừng lại đúng lúc, vì xâm phạm chuyện riêng tư, nhân thân người khác không khéo có thể đi tù như chơi”.

Thám tử trẻ L.H.D. thường dành thời gian rảnh để đọc báo thu thập thêm thông tin – Ảnh: PHI LONG

Thám tử chuyên nghiệp, bao giờ?

Theo nhiều chủ doanh nghiệp có hoạt động dịch vụ điều tra, thu thập thông tin dân sự, nhu cầu thám tử tư trong xã hội hiện nay rất lớn, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quan hệ gia đình vợ chồng, con cái như tìm kiếm người già lạc đường, con cái bỏ nhà đi, cung cấp thông tin trong quan hệ hôn nhân gia đình, cung cấp thông tin bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp, cung cấp thông tin về hàng giả, hàng nhái…

Giám đốc một công ty thám tử cho biết: “Thường khi khách hàng hết cách rồi mới tìm đến chúng tôi, đều là những nhu cầu đời thường nhưng hết sức cần thiết trong một xã hội hiện đại. Thử hỏi một đứa con bỏ nhà đi, cha mẹ biết đâu mà tìm, công an thì cho rằng đó không phải chức năng của họ, nhưng với thám tử tư chúng tôi có nghiệp vụ, phương pháp sẽ đáp ứng được nhu cầu đó”.

Ngay sau khi khởi đăng loạt bài “Sài Gòn thám tử tư”, mỗi ngày có đến hàng chục cú điện thoại của bạn đọc gọi đến tòa soạn Tuổi Trẻ xin cung cấp số điện thoại của các thám tử tư. Đa số người gọi là phụ nữ, nhiều người gọi đến nói trong nước mắt: “Ổng bê tha quá rồi, tiền làm ra bao nhiêu đem đi nuôi bồ nhí, nhưng hỏi thì ổng chối. Tôi đã hơn chục lần báo công an phường xin can thiệp, họ bảo đó là chuyện gia đình, có chứng cứ ngoại tình thì mới xử lý theo luật được. Tôi nói nhờ mấy anh công an theo dõi để có chứng cứ giúp, mấy ảnh lại nói đó không phải là việc của công an. Do đó tôi chỉ còn cách tìm thám tử tư”.

Thám tử tư là một lĩnh vực dịch vụ khá nhạy cảm nên hiện nay chỉ mới có một công ty ở Hà Nội chính thức được phép hoạt động trong lĩnh vực này là Công ty điều tra và bảo vệ V. Ngoài ra, có một vài công ty thám tử hoạt động dưới tên gọi là dịch vụ hỗ trợ, cung cấp thông tin ở Hà Nội cũng được phép thành lập chi nhánh tại TP.HCM như Công ty TNHH dịch vụ cung cấp thông tin và thương mại Việt.

Các công ty, nhóm thám tử tư khác ở TP.HCM đều phải hoạt động né luật dưới nhiều hình thức và tên gọi khác nhau. Do không chính thức được cấp phép hoạt động và có sự quản lý, thống nhất, định hướng trong hoạt động nên thám tử tư hiện nay hoạt động theo kiểu hoàn toàn tự phát.

Có nơi thám tử tư được tuyển chọn, đào tạo bài bản bằng giáo trình hẳn hoi. Họ nguyên là sĩ quan an ninh, cảnh sát hình sự, luật gia, luật sư, nhà xã hội học, tâm lý học và có trình độ, nghiệp vụ về trinh sát, điều tra… Nhưng cũng có nơi thám tử chỉ là dân tay ngang, thấy công việc này đang dễ “kiếm ăn” nên chỉ “ngủ một đêm” đã thành thám tử!

Một giám đốc công ty thám tử nguyên là sĩ quan an ninh thổ lộ: “Đây là một nghề nhạy cảm và chuyên nghiệp, không chỉ đòi hỏi người theo nghề phải có nghiệp vụ, niềm đam mê, mà điều quan trọng hơn hết là phải biết giữ cái tâm, đạo đức của nghề.

Tôi mong luật pháp chính thức cho phép các công ty thám tử hoạt động. Có danh chính ngôn thuận càng có lợi cho xã hội hơn trong việc đào tạo, huấn luyện và cũng kiểm soát được loại hình dịch vụ này. Xã hội có lợi và quản lý nhà nước cũng dễ dàng hơn”. Mong mỏi của vị giám đốc này cũng là mong mỏi của rất nhiều anh em thám tử tư đang hằng ngày hành nghề chân chính phục vụ một nhu cầu có thật và cần thiết của xã hội.

VŨ BÌNH

Theo TT

Facebook
Twitter
LinkedIn
Telegram
Pinterest

Tham khảo thêm

Dịch vụ thám tử