Thám tử tư – Các nhà khoa học Anh vừa chế tạo thành công một loại robot hình cá có khả năng phát hiện chất gây ô nhiễm dưới nước. Chúng hoạt động bằng pin và liên lạc với nhau qua sóng wi-fi.

Một con cá chép máy. Ảnh: Daily Mail.


Đại học Essex (Anh) và công ty tư vấn kỹ thuật BMT (Tây Ban Nha) hợp tác trong dự án chế tạo cá máy để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm dưới nước. Họ đã chế tạo được vài chục cá máy với chi phí khoảng 29.000 USD mỗi con. Với hình dạng giống hệt cá chép, chúng dài 50 cm, rộng 15 cm và ngang 12 cm. Được trang bị các cảm biến đặc biệt, cá máy có khả năng phát hiện nhiều loại hóa chất gây ô nhiễm. Chúng di chuyển dưới nước giống như cá thật (uốn lượn cơ thể để tiến lên, dùng đuôi để đổi hướng).

Nhóm nghiên cứu thả các đàn cá robot, mỗi đàn có 5 con, xuống sông Thames ở London và vịnh Biscay ở phía bắc Tây Ban Nha. Chúng lấy năng lượng từ pin và có thể hoạt động liên tục 24 tiếng đồng hồ sau một lần sạc. Các phiên bản thử nghiệm sẽ ở dưới nước trong 18 tháng.

Các cá máy liên lạc với nhau bằng sóng wi-fi khi phát hiện vùng nước bị ô nhiễm. Người ta có thể xác định vị trí của chúng qua hệ thống định vị toàn cầu vì chúng có thiết bị phát tín hiệu. Các phần mềm trong bộ vi xử lý của cá giúp chúng tự ra quyết định mà không cần tới sự hỗ trợ của con người. Khi phát hiện một khu vực nào đó bị ô nhiễm, cá sẽ phát tín hiệu cảnh báo tới những con còn lại và cả đàn sẽ tập trung tại một nơi để thu thập dữ liệu.

“Chúng tôi hy vọng rằng đàn cá chép máy sẽ ngăn chặn những thảm họa môi trường ở biển. Những thảm họa ấy sẽ trở nên tồi tệ hơn theo thời gian nếu chúng không được phát hiện kịp thời”, giáo sư Huosheng Hu của Đại học Essex phát biểu. Ông và cộng sự cũng hy vọng rằng, nếu dự án thành công, cá máy sẽ được các nước sử dụng để phát hiện nguồn phát sinh chất gây ô nhiễm dưới nước.

Minh Long (theo AFP)

Theo VNExpress

VDT – Bản tin thám tử

Facebook
Twitter
LinkedIn
Telegram
Pinterest

Tham khảo thêm

Dịch vụ thám tử