Thám tử tư Đà Nẵng – Kinh tế khó khăn đã tác động vào đời sống của từng gia đình. Thu nhập không đủ chi tiêu, họ phải tự xoay xở, vay mượn… để bảo đảm cuộc sống, dẫn đến những mâu thuẫn, tranh chấp, giữa vợ và chồng.

“Chồng tôi có thu nhập thấp trong khi tôi chỉ ở nhà nội trợ nuôi con. Mấy năm qua, giá cả sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, kinh tế gia đình khó khăn nên tôi có tự ý vay mượn bên ngoài một số tiền, mục đích cũng để chi tiêu, xoay xở trong gia đình, có điều là tôi không hỏi ý kiến chồng.
Gần đây khi nợ nần ngày càng nhiều, có một vài chủ nợ đến đòi tiền, chồng tôi biết được đã phản ứng gay gắt. anh ấy còn tuyên bố, không biết gì về khoản nợ đó, nếu có thì đó là nợ riêng của tôi, tôi phải tự kiếm tiền trả!”. câu chuyện của chị K.L, nhà ở Q. Bình Tân – TPHCM, kể cho luật sư không phải là câu chuyện hi hữu xảy ra trong các gia đình hiện nay.

Tự ý đi vay, rước về mâu thuẫn

Cũng thiết tha nhờ luật sư tư vấn, anh V.H, nhà ở quận 8 – TPHCM đã là đương sự trong một vụ án “Tranh chấp vì hợp đồng vay tài sản” mà theo anh, anh chỉ là nạn nhân. Anh kể: “Trong thời kỳ hôn nhân, vợ tôi đã tự ý vay mượn tiền và sử dụng vào việc gì tôi không hề biết.

Tất cả chứng từ vay mượn đều không có chữ ký của tôi. Hiện nay cô ấy vỡ nợ lên đến 250 triệu đồng. Vừa rồi chủ nợ đã kiện vợ chồng tôi ra tòa và buộc tôi phải liên đới cùng vợ tôi trả nợ. Trong giấy triệu tập tòa án ghi tôi là bị đơn, tôi lo quá không biết phải làm sao?”.

Ngoài ra, trong thực tiễn tư vấn, còn có nhiều trường hợp một bên đi vay mượn tài sản có giá trị lớn nhưng không phải lo cho những nhu cầu thiết yếu cho gia đình mà để làm ăn riêng, đầu tư kinh doanh riêng. Chị H.H, ở huyện Nhà Bè – TPHCM, chia sẻ, chồng chị là giám đốc một công ty về địa ốc, cũng đang có vấn đề về tài chính.

Tuy không biết được tường tận chuyện làm ăn của chồng, nhưng gần đây, chị hay tin công ty chồng chị đang nợ ngân hàng hàng chục tỉ đồng, cũng như anh đã vay nóng rất nhiều nơi để trả lãi hằng tháng. Chị rất lo lắng, nếu chồng làm ăn thất bại thì khoản nợ đó phải giải quyết ra sao?
Nhiều người lại vay mượn nhằm vào các nhu cầu xa xỉ, như mua sắm đồ hiệu đắt tiền để chưng diện, se sua với bạn bè, để cho con… du học theo phong trào; cá biệt có những trường hợp vay mượn sử dụng vào mục đích bất hợp pháp như cờ bạc, cá độ… Và khi hậu quả xảy ra – không có tiền trả nợ, thì cũng phát sinh những tranh chấp.

Nợ riêng, trách nhiệm chung

Thật ra, liên quan đến vấn đề này, điều 25 Luật Hôn nhân và gia đình quy định rõ: “Vợ hoặc chồng phải chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch dân sự hợp pháp do một trong hai người thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình”. Giao dịch hợp pháp ở đây được hiểu là hợp đồng vay tài sản (tiền, vàng, ngoại tệ…) hoặc giấy vay tiền, không phân biệt viết tay hay đánh máy do người có đủ năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện. Nhu cầu thiết yếu của gia đình như: ăn, ở, mặc, chăm sóc sức khỏe cho các thành viên trong gia đình, việc học hành của con trẻ…

Theo luật định thì đối với những giao dịch hợp pháp nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu, sinh hoạt, tiêu dùng trong gia đình, pháp luật không bắt buộc cả vợ và chồng cùng ký tên vay hoặc khi vay phải hỏi ý kiến người kia, và khi hậu quả xảy ra, thì cả vợ và chồng đều phải liên đới trách nhiệm trong việc trả nợ, đó là nợ chung của vợ và chồng.

Nghĩa vụ liên đới được hiểu là vợ chồng phải cùng nhau trả. Ai có ít góp ít, ai có nhiều góp nhiều, thậm chí nếu một bên không làm ra tiền, trong khi người kia làm có thu nhập thì người đó phải trả đủ, trả hết các nghĩa vụ dân sự về tài sản cho các chủ nợ.

Trường hợp có tranh chấp, chẳng hạn như một bên vay để tiêu xài chung mà bên kia không đồng ý liên đới trả nợ, thì người vay mượn có nghĩa vụ phải chứng minh việc vay mượn là để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu trong gia đình.

Có điều, người trong cuộc cần lưu ý: việc tự ý vay mượn như vậy, về lý thì có thể được, nhưng về tình là không nên! Để tránh những rắc rối, những tranh chấp có thể xảy ra, khi vay mượn (để chi dùng chung) của bất kỳ ai, dù bao nhiêu…, cũng nên hỏi ý kiến hoặc “trình báo” với người kia, việc ấy thể hiện sự tôn trọng, chia sẻ với nhau, và cũng là đạo lý, là tình nghĩa vợ chồng.

Còn đối với những trường hợp một bên tự ý vay mượn tiền, không hỏi ý kiến người kia với mục đích là để tiêu xài riêng hoặc kinh doanh, làm ăn riêng, không dùng vào các nhu cầu sinh hoạt thiết yếu trong gia đình, thì đó là nợ riêng của người vay.

Khi có tranh chấp xảy ra, các bên phải có nghĩa vụ chứng minh, vấn đề quan trọng là mục đích sử dụng của việc vay mượn đó. Theo điều 33 của Luật Hôn nhân và gia đình thì: “Nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó”. Trường hợp tài sản riêng của người đó không đủ thanh toán thì có thể chia tài sản chung của vợ chồng, và họ có quyền sử dụng phần tài sản của mình sau khi đã được chia để trả nợ.

Theo Luật sư Huỳnh Minh Vũ

THÁM TỬ ĐÀ NẴNG

Facebook
Twitter
LinkedIn
Telegram
Pinterest

Tham khảo thêm

Dịch vụ thám tử