Gã luôn tự hào về nguồn gốc người Dao đỏ của mình, gã khẳng định nếp nhăn trong não gã không thua kém bất cứ ai, và đố người thành phố tìm thấy cái đuôi mọc từ mông của mình. Gã tên: Hoàng Dương Bình, hay còn gọi là “Bình Móm” và theo gã, cái môi sứt ấy chính là bảo bối để gã hành nghề thám tử ở đất Hà thành này.

Gã không đeo kính đen, đội mũ phớt, cũng chẳng bí ẩn gì. Gã béo tốt, trắng trẻo và lịch sự. Ở gã chỉ có đôi mắt lai Tây, cái môi sứt là đặc biệt. Còn tất cả gã rất bình thường – bình thường đến chẳng có gì để ý. Nhưng gã lại là một thám tử tư đã có 7 năm hành nghề.

Tôi gặp gã lần đầu tiên tại ký túc xá Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Gã có dáng người nhỏ thó, cái môi sứt, đôi mắt hoang dại và kiểu nói chuyện rất người Dao. Điều làm tôi chú ý nhất vẫn là đôi mắt màu nâu nhạt của gã. Đôi mắt đặc trưng của người Dao và có gì đó rất gần với mắt của người châu Âu.

Gã có một bản thành tích học tập khá xuất sắc, nếu không muốn nói là đặc biệt đối với tộc người Dao đỏ của gã. Cùng một lúc, gã học cả hai khoa: Tâm lý học và Luật học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, không phải cử tuyển mà chính quy hẳn hoi. Gã cũng là số ít các học sinh đầu tiên của Trường Dân tộc nội trú vùng cao Việt Bắc thi đỗ vào đại học.

Hồi ấy, những sinh viên miền núi như chúng tôi vẫn “được” người thành phố nhìn bằng con mắt thương hại, hay đúng hơn là sự ưu ái không vui vẻ. Các thầy cô trong trường thường mềm tay với chúng tôi trong chuyện thi cử. Điều này làm gã rất không hài lòng. Có lần gã bảo với tôi: “…Như thế không công bằng, khác gì hại sinh viên. Tôi thấy người Dao cũng chẳng khác gì người thành phố. Đố mấy ông thành phố tìm thấy người Dao có đuôi đấy. Nếp nhăn trong não của tôi với mọi người đều như nhau…”. Thế rồi gã lao vào học. Kiểu học của gã như sự trả đũa với người đời.

Và bao giờ gã cũng đố người thành phố tìm thấy cái đuôi của gã. Tôi bắt đầu chú ý đến gã từ đó, đơn giản vì tôi là người Tày, cũng là dân tộc thiểu số, cũng thường “được” một số bạn đồng niên ưu ái kiểu không vui vẻ kia. Nhiều khi tự ái nên lao vào học, nhưng như thế nào đi nữa, cái tự ti vốn có của tôi vẫn tồn tại, dù đã chứng tỏ hết mình và chẳng thua kém bất cứ bạn đồng khoa nào.

Có lần, tôi được một cô bạn cùng lớp người Hà Nội, mời đi dự sinh nhật. Thú thật, từ khi biết nói, biết cười, biết nhìn con gái, biết thích con gái… tôi chưa bao giờ biết đến cái gọi là sinh nhật. Tôi sợ và e ngại khi xuất hiện ở những nơi đông người, đặc biệt với một cô bạn thành phố “xịn”. Tôi lưỡng lự, nhưng lại rất tò mò xem người thành phố, họ tổ chức sinh nhật như thế nào. Tôi đã suy nghĩ rất lâu và thổ lộ với gã. Tưởng gã cũng như tôi, nào ngờ gã nói dứt khoát: “Ngại gì, tao dẫn mày đi…”. Thế là gã đạp xe đèo tôi đi, tới Ngã Tư Sở gã dừng rồi mua hoa. Gã chọn một bông hoa hồng khá đẹp, móc túi trả tiền. Gã cười hềnh hệch: “Tặng hoa hồng cho sướng, con bé kia thích mày đấy…”. Tôi rất sợ nhưng chỉ còn biết nghe theo “lệnh” của gã.

Tới nơi, gã tự tin bấm chuông. Gã dúi bông hoa hồng cho tôi và bảo: “Nếu ông không thơm vào má cô bé thì không phải là đàn ông của núi rừng”. Lần này thì tôi hoảng thật sự. Tôi không đủ sức làm việc đó, thấy thế gã bảo bạn gái tôi: “… A.Sáng rất muốn thơm vào má bạn nhưng không dám nói, tớ nói giúp… liệu có được thơm giúp không?”. Bây giờ thì đến lượt cô bạn tôi đỏ mặt. Thế đấy, gã bao giờ cũng tự tin, gã chẳng sợ gì, hình như gã không biết sợ.

Gia đình bạn tôi làm nghệ thuật nên bữa tiệc được tổ chức rất kỹ lưỡng: rượu vang và âm nhạc… Phải nói, đó là một không gian quý tộc mà tôi chỉ thấy trên phim ảnh. Tôi đứng như trời trồng, chân tay thừa ra, mặt nghệt như khỉ, chẳng biết làm gì. Còn gã – gã cười nói tự nhiên, lịch sự cầm ly chạm với mọi người – không hề sợ hãi. Rồi gã nhảy! Hay thật, gã biết nhảy đầm, gã dẫn bạn gái tôi đi một điệu van rất chuyên nghiệp. Không hiểu gã học ở đâu, nhưng lúc này trông gã rất đẹp trai với cái kiểu người rất Âu kia. Gã làm tôi phục sát đất. Gã thật kỳ lạ!

Khi ra về, tôi tò mò hỏi gã làm sao biết nhảy? Gã cười, nói tỉnh bơ: “Học chứ ở đâu ra, mình có chân, có tay tại sao không biết nhảy, chẳng có gì tớ không làm được cả…”.

Ra trường, tôi trở về Cao Bằng gió núi, còn gã ở lại Hà Nội. Gã chỉ nói cụt lủn với tôi: “Tớ muốn ở lại thành phố”.

Một lần tôi về Hà Nội công tác, nghe loáng thoáng bảo gã đang hành nghề thám tử tư. Hay thật, lại một lần kỳ lạ nữa. Nghề thám tử tư ư? Mãi tới năm 2003, tôi trở về thành phố làm việc. Và tôi đã gặp lại gã. Lần này trông gã hoàn toàn khác hẳn: béo tốt, trắng trẻo, lịch sự… Chỉ có đôi mắt nâu nhạt kiểu người Tây vẫn còn và cả cái môi sứt kia nữa. Gã tiếp tôi niềm nở rồi giải thích: “Cái môi sứt này là bảo bối, người ta đều tin tôi từ cái môi sứt này đấy ông ạ…”. Cái môi sứt này, nói đúng hơn gã bị tật từ nhỏ, chính vì tật ấy suýt nữa gã không được nhập học trường dân tộc nội trú, dù gã học rất khá.

Bấy giờ gã là phó giám đốc một công ty thám tử tư với mức lương gần chục triệu. Gã dẫn tôi về trụ sở, gọi nhân viên pha trà. Vẫn cái phong thái tự tin ngày nào, vẫn kiểu chẳng sợ ai ngày đó, nhưng tịnh gã chẳng hé răng chút nào về công việc. Nếu tôi có hỏi, gã ậm ừ rồi rủ đi uống bia. Trông gã chẳng có vẻ gì thám tử tư bí ẩn như tôi vẫn tưởng tượng.

Đến một hôm, gã gọi điện cho tôi, hồ hởi thông báo có một vụ cực hay mà gã vừa hoàn thành. Gã cam đoan rất nhiều nhà báo sẽ thèm muốn viết về vụ này. Hóa ra gã vừa tìm được cha đẻ cho một cô gái có thân phận đặc biệt. Cha đẻ của cô ta mãi bên Lào, mà sự việc đã xảy ra hơn 37 năm. Kết quả tìm kiếm rất kỳ lạ, đến nỗi cô gái kia cũng ngỡ ngàng. Tôi đã nghe gã trình bày về phương pháp tìm kiếm của gã. Bây giờ gã mới tiết lộ chút ít về nghề nghiệp. Thì ra gã rất chuyên nghiệp, các phương án gã trình bày như một bản báo cáo trong điệp vụ ngành tình báo.

Gã lên kế hoạch, dựng kịch bản, chọn diễn viên, rồi mới điều hành tìm kiếm manh mối, các cách thức tiếp cận đối tượng, những kiểu moi móc thông tin, và cả việc liên lạc với cộng tác viên bên Lào. Trước mắt tôi hiện ra một thám tử thực thụ với những chiêu thức tinh vi, phức tạp, rồi những phương án dự phòng mang bí số hẳn hoi. Khi tôi hỏi, làm thế nào mà ông liên lạc được với cả cộng tác viên bên Lào, gã cười hềnh hệch, nói: “Bí mật nghề nghiệp, không thể tiết lộ”. Và sự vụ đó đã được rất nhiều báo chí đăng tải, người phụ nữ đó tìm được nguồn gốc của mình, nói chung rất hoàn hảo, đặc biệt vụ này công ty của hắn lại làm miễn phí hẳn hoi, theo hắn đó là việc nhân đạo cần làm, thám tử thực thụ cần phải thế.

Bẵng một thời gian, gã lại thông báo cho tôi đã bỏ công ty cũ, tự thành lập một công ty mới. Gã mời tôi đến dự khai trương và tuyên bố: “… Đã đến lúc tớ phải tự làm chủ chính tớ”. Gã không nhiều tiền, nhưng dám bỏ ra 30 triệu mua tranh về treo tại văn phòng. Gã bảo, phải treo những bức tranh nghệ thuật mới thuyết phục được khách hàng. Đối tượng của tớ là VIP, là những người hiểu biết, cần tạo cho họ một không gian đàng hoàng có tính nghệ thuật, không thể dễ dãi, thiếu chuyên nghiệp được.

Đúng như gã nói, khách hàng thường xuyên của gã là những VIP nhiều tiền và hiểu biết. Có lần tôi đã chứng kiến gã tiếp một đối tượng đang thuê công ty của gã quản lý cậu ấm nhà mình. Số là cậu ấm kia đang ngoan ngoãn, học giỏi, bỗng dưng dở chứng đua đòi, học tập sa sút, chơi bời suốt đêm… Bà mẹ sợ quá, tìm đến rất nhiều trung tâm tư vấn nhưng không ăn thua. Rồi bà tìm tới gã, lập tức công việc có hiệu quả.

Hỏi mãi gã mới tiết lộ chiêu thức kéo cậu ấm kia trở lại môi trường trong sạch. Gã theo dõi, phân tích tâm lý, diễn biến hành động thường ngày của cậu ấm rồi đưa ra một phương án rất hay. Gã cử một cô nhân viên khá xinh, hiểu biết đến tìm cách đánh bạn với cậu ấm kia, rồi từ đó nhẹ nhàng “quyến rũ” đối tượng, kéo dần cậu ta ra khỏi đám bạn chơi bời, cứ thế dần dần làm cậu ta hiểu ra mọi việc và trở về “quỹ đạo” bình thường của một cậu ấm ngoan ngoãn. Công việc này mất khoảng ba tháng, nhưng bây giờ vẫn phải tiếp tục quản lý ngầm. Theo gã, đó là quản lý đối tượng sau hợp đồng, hay còn gọi là sự phát triển bền vững.

Lần này bà mẹ ấy đến để cảm ơn, và báo cáo những diễn biến trong cuộc sống của cậu ấm. Hắn chăm chú nghe rồi đưa ra phương án tiếp theo. Trông gã chẳng giống thám tử chút nào, bây giờ gã như một nhà tư vấn tâm lý thì đúng hơn. Cái môi sứt của gã vẫn đều đặn nói chuyện, âm giọng lơ lớ của người Dao đỏ nghe ra rất hợp với cách rủ rỉ, tỉ tê này. Đừng quên gã tốt nghiệp tâm lý học và cái môi sứt kia đúng là bảo bối của gã. Chẳng ai không tin kiểu người như gã cả: gần gũi và ấm áp.

Khi khách ra về, gã nói thẳng thừng với tôi: “Người thành phố, không thiếu gì về vật chất, nhưng cuộc sống tinh thần của họ khá nghèo nàn, nếu không muốn nói là nhàm chán. Nguyên nhân sâu xa của việc hư hỏng của các cậu ấm, chủ yếu bắt nguồn từ sự trống rỗng của tâm hồn…”. Nghe hắn nói cũng rất có lý, những cậu ấm rất no đủ vật chất, nhưng người ta không chú ý đến cuộc sống tinh thần, hay không cần biết chúng suy nghĩ những gì. Theo họ, chỉ cần đủ đầy về vật chất, sẽ có một tinh thần hoàn hảo. Hậu quả là nhiều cậu ấm tìm đến vũ trường, quán bar để chống lại sự trống rỗng ấy và bắt đầu hư hỏng… Điều này không lạ gì ở thành phố. Gã rất có lý và kiếm tiền từ công việc đó.

Và gã – cái gã sứt môi, mắt nâu này có gì đó rất đặc biệt? Gã là người Dao đỏ chính hiệu, nhưng gã chẳng khác bất cứ một người thành phố nào, nếu không muốn nói gã còn khôn hơn. Những nếp nhăn trong não gã không hề thua kém bất cứ ai và người ta sẽ chẳng bao giờ tìm thấy một cái đuôi mọc từ mông gã. Không biết, bây giờ tiếng khèn, điệu nhảy của người Dao đỏ ở chợ Nguyên Bình còn âm vang trong vỏ não của gã?

Và những âm điệu đó còn đủ sức quyến rũ gã? Gió núi và mây mù cố hương có còn trong tư duy của gã? Tôi không thể biết, chỉ thấy gã quá hiện đại, dám liều mình trong cái nghề đầy tính phiêu lưu, một mình nuôi sống cả gia đình ở thành phố đầy năng động này. Gã liều lĩnh hay tự tin? Chịu, tôi luôn chịu vì gã biết nhảy mà.

Rồi như sực nhớ ra ngôn ngữ người Dao, cái chứng chỉ cuối cùng chứng minh gã vẫn là người Dao đỏ. Tôi đã hỏi gã bằng tiếng Dao, gã mỉm cười nói: “Hốp tiu” (mời bạn đi uống rượu). Tôi thở phào nhẹ nhõm, gã vẫn là gã – thằng Hoàng Dương Bình sứt môi người Dao đỏ ngày nào. Dù sao gã vẫn là người may mắn vì chưa quên hết ngôn ngữ thương yêu của dân tộc mình. Gã vẫn là người Dao đỏ. May cho gã!

A. Sáng ( Nguồn CAND)

Facebook
Twitter
LinkedIn
Telegram
Pinterest

Tham khảo thêm

Dịch vụ thám tử