QUY TẮC ĐẠO ĐỨC VÀ ỨNG XỬ

CÔNG TY TNHH CUNG CẤP
THÔNG TIN VIỆT NAM
***********
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
***********
                        Hà Nội, Ngày 01 tháng 01 năm 2018

QUY TẮC ĐẠO ĐỨC VÀ ỨNG XỬ NGHỀ THÁM TỬ

– Căn cứ vào tổ chức hoạt động của Công ty TNHH cung cấp thông tin Việt Nam nay Giám đốc công ty ban hành Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử Nghề Thám Tử trong công ty; –  Căn cứ vào điều lệ của Công ty TNHH cung cấp thông tin Việt Nam; –  Căn cứ vào tình hình thực tế và nhu cầu hoạt động của công ty.
Nghề Thám Tử ở Việt Nam là một nghề cao quý, bởi hoạt động nghề nghiệp của thám tử nhằm mục đích góp phần bảo vệ công lý, tìm hiểu sự thật, góp phần phát triển kinh tế, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp là nền tảng cơ bản của Nghề Thám Tử. Thám tử VDT phải có bổn phận tự mình nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn; nêu gương trong việc tôn trọng, chấp hành pháp luật; tự giác tuân thủ các quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp trong hoạt động hành nghề, trong lối sống và giao tiếp xã hội. Quy tắc Đạo đức và ứng xử Nghề Thám tử, quy định những chuẩn mực về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, là thước đo phẩm chất đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp của Thám Tử. Mỗi Thám Tử phải lấy Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp này làm khuôn mẫu cho sự tu dưỡng, rèn luyện để giữ gìn uy tín nghề nghiệp, thanh danh của Thám Tử, xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội. Đây là bản Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề Thám Tử, áp dụng cho toàn thể nhân viên làm việc tại Công ty TNHH cung cấp thông tin Việt Nam. Tất cả nhân viên phải tuân thủ theo bản Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề Thám Tử này. Bản quy tắc đạo đứng và  ứng xử Nghề Thám Tử được lập, lưu trữ và có hiệu lực kể từ ngày ký được Hội đồng thành viên  Công ty TNHH cung cấp thông tin Việt Nam thông qua. Sau đây là một số quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp như sau:

CHƯƠNG I:  QUY TẮC CHUNG

Quy tắc 1 :

Thám tử VDT phải độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, không vì lợi ích vật chất, tinh thần hoặc bất kỳ áp lực nào khác để làm trái pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.

Quy tắc 2 :

Thám tử VDT có nghĩa vụ bảo đảm chất lượng dịch vụ cung cấp thông tin cho khách hàng, tận tâm với công việc, phát huy năng lực, sử dụng kiến thức chuyên môn, các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của khách hàng  và đảm bảo tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Quy tắc 3 :

Thám tử VDT thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, giữ gìn phẩm chất và uy tín nghề nghiệp; thái độ ứng xử đúng mực, có văn hóa trong hành nghề và lối sống để luôn tạo được và xứng đáng với sự tin cậy, tôn trọng của xã hội đối với Thám tử và Nghề Thám tử.

Quy tắc  4 :

Nhân viên Thám tử VDT phải bảo mật toàn bộ thông tin về công việc đang làm, cũng như tổ chức hoạt động nghề nghiệp của mình.

CHƯƠNG II : QUAN HỆ VỚI KHÁCH HÀNG

Quy tắc 5 : Nhận vụ việc của khách hàng

5.1. Thám tử VDT tôn trọng sự lựa chọn của khách hàng; chỉ nhận vụ việc theo khả năng chuyên môn, điều kiện của mình và thực hiện vụ việc trong phạm vi yêu cầu hợp pháp của khách hàng.

5.2. Thám tử VDT có nghĩa vụ giải thích cho khách hàng biết về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của họ trong quan hệ với Thám tử ; về tính hợp pháp trong yêu cầu của vụ việc ; những khó khăn, thuận lợi trong việc thực hiện điều tra thu thập thông tin.

5.3. Khi nhận vụ việc của khách hàng, thám tử, tổ chức hành nghề thám tử phải xác định rõ các quyền, nghĩa vụ của hai bên trong hợp đồng dịch vụ cung cấp và điều tra thu thập thông tin.

Quy tắc 6 : Thực hiện vụ việc của khách hàng

6.1. Thám tử VDT chủ động, tích cực điều tra giải quyết vụ việc của khách hàng và thông báo tiến trình kết quả để khách hàng biết.

6.2. Trong khi thực hiện việc điều tra thu thập thông tin cho khách hàng, thám tử VDT không để tiền bạc hoặc lợi ích vật chất khác chi phối đạo đức và ứng xử nghề nghiệp làm sai lệch mục đích của nghề thám tử.

Quy tắc 7. Từ chối nhận và tiếp tục thực hiện vụ việc của khách hàng

7.1. Khách hàng có thái độ không tôn trọng thám tử và nghề thám tử.
 
7.2. Khách hàng đưa ra yêu cầu mới mà yêu cầu này không thuộc phạm vi  trong hợp đồng hoặc trái đạo đức, trái pháp luật.
 
7.3. Khách hàng vi phạm cam kết theo hợp đồng dịch vụ cung cấp thông tin mà các bên không thể thỏa thuận được hoặc quan hệ giữa Thám tử với khách hàng bị tổn hại không phải do lỗi của Thám tử.
 
7.4. Khách hàng sử dụng dịch vụ cung cấp thông tin của Thám tử để thực hiện hành vi trái pháp luật;

Quy tắc 8 : Xung đột lợi ích quyền lợi giữa các khách hàng.

Thám tử VDT không được tiến hành công việc và ký kết hợp đồng đối với các khách hàng mới, khi thấy có mâu thuẫn xung đột quyền lợi giữa khách hàng mới và khách hàng cũ của mình.

Quy tắc 9. Giữ bí mật thông tin

Thám tử VDT phải bảo mật toàn bộ thông tin về khách hàng, thông tin về đối tượng và lưu lượng thông tin trong quá trình thực hiện công việc mà thám tử điều tra được kể từ khi ký kết hợp đồng và sau khi kết thúc hợp đồng.

CHƯƠNG III :  QUAN HỆ VỚI ĐỒNG NGHIỆP

Quy tắc 10. Tôn trọng và hợp tác với đồng nghiệp

10.1. Thám tử VDT phải có thái độ thân ái và tôn trọng đồng nghiệp. Việc phê bình đồng nghiệp được thực hiện một cách thận trọng, khách quan, đúng nơi, đúng lúc với tinh thần xây dựng.
 
10.2. Thám tử VDT có ý thức hợp tác và giúp đỡ đồng nghiệp trong hành nghề cũng như trong cuộc sống; góp ý kịp thời khi thấy đồng nghiệp làm điều sai trái, ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp Thám tử;

Quy tắc 11. Quan hệ với Nhân viên mới – người học việc hành nghề thám tử.

Thám tử hướng dẫn phải tận tâm, thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của mình đối với người học việc hành nghề : Không được phân biệt, đối xử mang tính cá nhân với những người học việc, không được đòi hỏi tiền bạc, lợi ích vật chất từ người học việc.

GIÁM ĐỐC CÔNG TY

ĐỖ NGỌC ANH