Cộng đồng mạng những ngày qua xôn xao thông tin về website nguyenminhchau.com, nơi một gia đình gửi gắm niềm hy vọng mong manh sẽ tìm lại được cô con gái bé bỏng sau 15 năm mất tích. Nước mắt chảy ngược… Và nỗi đau xé lòng phía sau một đường link.

Website rúng động cư dân mạng
Bắt đầu từ ngày 21/1, đường link của website nguyenminhchau.com được truyền đi với tốc độ chóng mặt trên các forum, các cuộc trò chuyện qua Yahoo! cũng như spam vào các trang cá nhân trong cộng đồng mạng. Câu chuyện về người cha tìm con mất tích trở thành chủ đề nóng nhất trên mạng tuần rồi, có người ví nó giống như việc tìm thân nhân gặp nạn ở Haiti thông qua Facebook.
Chưa đầy hai tuần sau khi website được khởi động, lượng truy cập của cộng đồng mạng đã lên đến con số hàng ngàn. Hầu hết tất cả những ai nhận được đường link đều nhấp chuột và chia sẻ, động viên người cha đang mỏi mòn tìm con gái.
Nằm trên cùng trang chủ của website là dòng chữ “Nguyễn Minh Châu tìm con gái tên Nguyễn Trường An” với hai ngôn ngữ chính là Tiếng Việt, Tiếng Anh. Ba tấm hình của cháu An bé bỏng, hồn nhiên. Bên cạnh có cả những số điện thoại cần thiết để có thể cung cấp thông tin về cháu An. Trên website, anh Sáu Châu có nhắn nhủ đôi lời “Giờ tôi đành gửi gắm chút hi vọng mong manh qua trang web này”.
Người cha tội nghiệp Nguyễn Minh Châu, tên thường gọi là Sáu Châu, 45 tuổi, ngụ ấp Tân Quới, xã Tân Hòa Thành, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang.
Nỗi đau ập xuống một gia đình
Theo lời kể của anh Châu, cô con gái mất tích của anh tên Nguyễn Thị Trường An, sinh ngày 26/3/1990, là con thứ hai trong số bốn anh em (sau Trường An là hai em gái). Trong tiếng nấc nghẹn, anh Sáu Châu kể về buổi chiều định mệnh, mà anh nhớ cặn kẽ đó là ngày 9/1/1996, nhằm ngày 19/11/1995 âm lịch, ngày cháu An rời xa vợ chồng anh: “Lúc đó là khoảng 15 – 16h chiều. Tôi bận cùng một số người thợ đang vận chuyển vật tư (nhà anh Sáu Châu mua bán vật tư xây dựng từ đó đến nay – PV) thì cháu An đi học về. Ngay lúc này cháu hớn hở chạy đến ngay bên cạnh tôi và tíu tít khoe ‘Cha ơi! Xem phiếu bé ngoan của con ne’. Lúc đó, tôi nói với cháu là ‘Cha đang bận, để đến tối, cha mẹ xem cho con’. Rồi tôi lại sai cháu vào nhà lấy cho tôi ít nước đá để cho thợ uống đỡ khát…”. Cháu An nhí nhảnh nhảy nhót chạy vào nhà. Tính nghịch ngợm, An chỉ cầm ra bên ghe mỗi lần một cục nước đá nhỏ xíu. Anh Châu còn nhớ rõ câu nói cuối cùng mà mình nói với con: “Sao con không lấy nhiều? Cha đét đít bây giờ!”. Câu nói cuối cùng với con, anh Sáu Châu nhớ như in suốt 15 năm trên hành trình tìm kiếm con gái khắp các tỉnh thành.
Nghe cha mắng yêu, bé An phụng phịu xin anh Châu chạy đi chơi với bé Phan Thị Diễm My (sinh năm 1991). Bé My là con của chị Phan Thị Phê, họ hàng với anh Châu. “Tôi không ngờ, đó là lần cuối cùng còn nhìn thấy con mình”, anh Châu nói mà rơm rớm nước mắt dù câu chuyện đã diễn ra cách đây hơn chục năm.
Đến giờ cơm chiều, cả bé An và bé My đều không về nhà. Cái xóm nhỏ chừng chục căn nhà như náo loạn khi hai gia đình anh Châu và chị Phê bắt đầu nháo nhác đi tìm con. Lực lượng công an xã, huyện, tỉnh cũng có mặt tại địa phương để truy tìm. Nghi hai cháu bé bị té sông, hàng trăm người được huy động, dùng lưới đánh cá quay, rà hết cả khúc sông nhỏ. Cứ mỗi lần kéo trúng rong rêu làm nặng lưới, tim anh Châu như thắt lại vì sợ trong lưới là con mình.
Quá nửa đêm cả đoạn sông bị quần đục ngầu mà chẳng có dấu hiệu gì. Sáng hôm sau, cả xóm nhỏ lại tập trung mọi người kéo lưới gần cả ngày mà không có kết quả. Anh Châu thấy đỡ lo vì con gái mình và bạn nó không chết đuối, nhưng anh rùng mình lo sợ hơn khi nghĩ đến việc hai đứa trẻ bị kẻ xấu bắt cóc. Suốt mấy ngày hôm sau, vợ anh Châu là chị Mạch Thị Mỹ Bình vì thương nhớ con mà sinh bệnh. Nhiều ngày liền, công an vào cuộc, lấy lời khai một số người nhưng không có kết quả. Nhiều người trong xóm xót xa khi thấy anh Châu cứ như người mất hồn, lang thang hết đầu làng cuối xóm lại đi dọc theo bờ sông tìm con.
Hai gia đình anh Châu và chị Phê sau đó bắt đầu đi tìm ở những nơi xa hơn, ban đầu là trong huyện, rồi trong tỉnh, ra miền Đông, về miền Tây. “Cứ nghe ở đâu tìm được trẻ lạc, chúng tôi cũng tìm tới xem có phải con mình không”, anh Châu kể mắt rơm rớm. Cứ gom góp được ít tiền, hai gia đình mất con lại chia nhau đi tìm những đứa con của mình. Thông tin tìm trẻ lạc cũng đăng liên tục trên báo và đài truyền hình nhưng cả hai bé vẫn bặt vô âm tín. Nhiều lúc hết tiền mà nghe có manh mối, anh Châu và chị Phê lại vay mượn khắp nơi để có tiền làm lộ phí cho chuyến đi chất chứa nhiều hy vọng.
Mòn mỏi tìm con
“Tôi từng sang tận Campuchia để tìm con. Đó là thời điểm gia đình đau khổ nhất, chúng tôi cũng chẳng còn đủ tỉnh táo để suy nghĩ được gì. Nghe người ta bày sang Campuchia tìm, chúng tôi lấy ảnh các bé phóng lớn ra hàng ngàn tấm, rồi thuê người dò la. Gần nửa tháng ở Campuchia chẳng có kết quả, mọi người đành khăn gói về nước. Khi về đến nơi, trong túi cũng đã cạn tiền”, anh Châu kể.
Khuôn mặt phúc hậu, ánh mắt buồn đau đáu quá khứ, người đàn ông mất con tâm sự: năm 2008 công an có đến xã để lấy lại lời khai của gia đình tuy nhiên, vẫn chưa có thêm manh mối nào về tung tích hai bé.
Chị Mạch Thị Mỹ Bình, mẹ bé Trường An cho biết: đầu tháng 7/1996 (âm lịch – tức sau hơn 8 tháng cháu An mất tích) gia đình có nhận được một cuộc điện thoại gọi đến và bất ngờ khi đầu máy bên kia là giọng cháu An la toáng lên “cha ơi, đến ngã ba Phú Mỹ rước con về!” rồi đầu dây bên kia cúp máy.
Anh Sáu Châu lại tức tốc lên đường, chị Bình lúc đó sức khỏe rất yếu vì đổ bệnh sau khi con gái mất tích nhưng cũng bảo anh chở đi cùng. Hai vợ chồng đến ngã ba Phú Mỹ đoạn cách ngã ba Trung Lương, tỉnh Tiền Giang gần 10 km chạy lòng vòng gần chục tiếng đồng hồ nhưng chẳng hề tìm ra tung tích. Nghe nói ở Bà rịa – Vũng Tàu cũng có ngã ba Phú Mỹ, anh Sáu Châu lại tất tả đi tìm con. Hy vọng nối tiếp theo tuyệt vọng…
Mấy năm sau, anh trai của bé An là Nguyễn Minh Việt qua đời vì mắc chứng ung thư xương quái ác. Gia đình nhỏ bé tưởng chừng đã không gượng dậy nổi sau hai tai ương liên tiếp. Nhưng bằng nghị lực phi thường và một niềm tin mãnh liệt cô con gái bé bỏng của mình còn sống trên cõi đời này anh Sáu Châu vẫn chưa nguôi ý định tìm con.
Khi xem tivi lại biết có chương trình “Như chưa hề có chuộc chia ly” của VTV – Đài truyền hình Việt Nam, anh cũng lặn lội đăng ký với niềm hi vọng, nhưng gần một năm qua, những người thực hiện chương trình cho biết cũng chưa tìm thấy manh mối nào về con gái anh mất tích 15 năm trước.
Cuối cùng anh Sáu Châu nhờ đến người cháu họ của mình là kỹ sư công nghệ thông tin tại TP.HCM giúp lập nên website tìm con gửi gắm tất cả những hy vọng mong manh còn lại vào cộng đồng mạng Việt Nam. “Sau này lỡ tôi có bề gì, các em bé An sẽ tiếp tục thay cha mẹ tìm chị nó. Những ký ức về tuổi thơ con gái tôi như vết dao cứa vào tim. Có nhiều đêm hai vợ chồng chợt tỉnh giấc và lau nước mắt cho nhau khi nhớ về con gái, chúng tôi còn sống vẫn sẽ tiếp tục hành trình tìm con”, anh Sáu Châu chia sẻ.

KHÁNH PHƯƠNG

Theo Echip

Thám tử VDT

Facebook
Twitter
LinkedIn
Telegram
Pinterest

Tham khảo thêm

Dịch vụ thám tử