Ngân hàng Liên bang Đức có 15 chuyên gia mệnh danh “thám tử tiền”, nhiệm vụ của họ là xác định những đồng bạc bị cháy, bị mối mọt hoặc bị mục nát. Dụng cụ đồ nghề của họ là kẹp gắp, kính hiển vi để giúp làm “sống lại” những đồng tiền cố tình hay vô ý bị hủy hoại.

Một bà mẹ căm ghét cô con gái của mình đến mức đã để lại cho con khoản tiền thừa kế 120.000 euro bị băm nát. Tuy nhiên, sự trả thù của bà không có kết quả như ý muốn, cô con gái đã chuyển cả một bọc tiền bị băm nát tới Ngân hàng Trung ương Đức và ở đây số tiền này đã được tái tạo.

Ngân hàng Trung ương Đức có một trung tâm dịch vụ duy nhất chuyên xác định những đồng tiền (kể cả tiền kim loại) bị hủy hoại. Đối với người dân, đây là một dịch vụ miễn phí. Những đồng tiền giấy hoặc tiền kim loại đưa đến đây là những đồng tiền đã bị biến dạng đến mức không thể nhận ra được nữa. Thí dụ một bọc tiền bị cháy hầu như đã thành than trong một vụ hỏa hoạn sau khi thẩm định, được xác định có giá trị 10.000 euro.

Các “thám tử tiền” dùng kẹp tách từng đồng euro hoặc bới tìm trong đống tro những mẩu còn lại của tờ giấy bạc và dùng kính hiển vi để soi. Đối với họ dù chỉ phát hiện được 1mm2 tiền, một mẩu giấy bạc, một con số, những ký hiệu mật hoặc phần còn lại của hôlôgram (ảnh không gian ba chiều) cũng vô cùng quý giá để có thể xác định được giá trị của đồng bạc.

Các ngân hàng trung ương ở châu Âu đồng ý thay thế toàn bộ số tiền với giá trị đầy đủ nếu khách hàng còn giữ được trên 50% tờ giấy bạc – hoặc khi người đó chỉ còn lại dưới 50% tờ giấy bạc nhưng có bằng chứng về phần còn thiếu đã bị thiêu hủy. Quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận khi đổi tiền bị hư hại.

Cơ hội để có thể đổi tiền bị cháy, bị hủy tương đối cao. Năm 2004 Ngân hàng Liên bang Đức đã thực hiện đổi tiền bị hư hại trị giá tới 12,6 triệu euro. Trong tổng số 18.900 trường hợp xin đổi tiền bị hư hại nặng vẫn có 1.390 vụ bị từ chối.

Các “thám tử tiền” không qua một trường lớp dạy chuyên môn nào. Điều quan trọng với những người làm nghề này là phải có đôi bàn tay khéo léo, rất tỉ mỉ, kiên trì và chịu đựng gian khổ. Thí dụ khi phân tích tiền bị mục nát ở những người bị chết đuối thường bị nhiễm mùi rất khó chịu, người thám tử buộc phải làm quen với cái mùi đó để tiến hành công tác phân tích.

Vụ việc lớn nhất mà các thám tử tiền từng giải quyết là vụ tống tiền Oetker. Năm 1997, trên thị trường bất ngờ xuất hiện 12.558 tờ tiền mệnh giá 1.000 mác đã được chôn trong vụ tống tiền nhà triệu phú Oetker. Do bị ẩm, bị mối mọt nên những đồng tiền này đã bị mất dạng. Nhưng sau khi tiến hành phân tích tiền bị hư hại, Ngân hàng Trung ương Đức đã hoàn đổi cho gia đình Oetker gần 13 triệu mác

VP (theo Stern)

Theo CAND

Công ty thám tử VDT

Facebook
Twitter
LinkedIn
Telegram
Pinterest

Tham khảo thêm

Dịch vụ thám tử