PHÍA SAU VÀNH MŨ THÁM TỬ


Tình huống bất ngờ ở Nghệ An

Thám tử VDT Sài Gòn – Ngày 9 tháng 3, A vào địa phận thành phố Thanh Hóa. Thời tiết mấy ngày hôm nay tương đối thuận lợi cho hành trình của A. Tuy nhiên, A vẫn giữ tốc độ trung bình là 20km/h. Thỉnh thoảng A nghỉ chân dọc đường, chăm chú xem bản đồ để căn quãng đường đi, bố trí thời gian nghỉ cho hợp lý. Hai thám tử chú ý và nhận thấy, trong suốt quãng đường từ Phủ Lý vào đến Thanh Hóa, A không có biểu hiện mệt mỏi, nao núng, đặc biệt cậu không hề gọi hay nhận bất cứ một cuộc điện thoại nào. Phải mất một ngày ròng rã đạp xe thì A mới ra khỏi địa phận tỉnh Thanh Hóa.

Sáng ngày 10 tháng 3, A tới địa phận tỉnh Nghệ An. Thời tiết đẹp nên A đã tăng tốc lên 25km/h. Khi vào đến địa phận thành phố Vinh, quan sát thấy A có vẻ thích thú cảnh sắc nơi đây, nên ngoài thời gian ngủ tại khách sạn, A dành nhiều thời gian để thăm thành phố.

Tuy nhiên, sang ngày 11 tháng 3, có một tình huống nho nhỏ đến với hai thám tử, khiến họ bất ngờ. Ngay từ sáng sớm, họ đã chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng để cùng A tiếp tục cuộc hành trình. Nhưng chờ mãi đến hơn 9h mà vẫn chưa thấy A xuất phát. Cửa phòng khách sạn nơi A đang nghỉ đóng cửa im lìm. Phải chăng A đã xuất phát trước họ? Nhận định này ngay lập tức bị loại bỏ vì suốt đêm họ đã thay nhau theo dõi hoạt động của A, họ không thấy A rời phòng. Để xác minh, thám tử Thắng đi đến phòng lễ tân khách sạn HPEC và được thông báo A vẫn chưa trả phòng. Như vậy chỉ còn khả năng A bị kiệt sức sau ba ngày rong ruổi trên xe đạp.

Chờ mãi đến 12h30, hai thám tử mới thấy A rời phòng. Quả nhiên, qua quan sát, họ thấy A có vẻ mệt mỏi, nhưng không đến nỗi quá kiệt sức. Có lẽ đây là lý do khiến A không giữ được lịch trình như đã định. Cậu ta không ăn trưa ở khách sạn mà đi bộ ra ngoài tìm quán ăn nhỏ để điểm tâm. Hai thám tử đưa ra phán đoán, A sẽ xuất phát sau khi ăn trưa xong. Tuy nhiên, sau khi ăn trưa xong, A về phòng và ở hẳn trong đó không ra ngoài. Đến 17h30, A lại ra khỏi phòng tìm quán ăn tối, rồi về phòng đóng cửa im lìm, không đi đâu cho đến hết đêm hôm ấy. Rõ ràng, sức khỏe của A đang có vấn đề, hay cậu cảm thấy không tiếp tục được cuộc hành trình? Mọi nhận định và các khả năng có thể xảy ra được các thám tử thảo luận và bàn bạc kĩ lưỡng. Họ báo cáo về công ty và nhận được chỉ thị: Nếu như A không đủ sức khỏe để lên đường tiếp thì có thể bí mật giúp đỡ để A trở về Hà Nội.

Dắt xe vượt đèo

9h sáng ngày 12 tháng 3, A vẫn chưa ra khỏi phòng. Thám tử Thắng cho rằng cuộc hành trình vào Nam của A bằng xe đạp không thể thực hiện được và có khả năng kết thúc ở đây.

Tuy nhiên, đến 10h thì A bất ngờ lên đường, có vẻ như cậu đã lấy lại sức khỏe và tiếp tục cuộc hành trình chinh phục thử thách. Sự hăng hái đầy hưng phấn của A khiến cho hai thám tử cảm thấy nhẹ nhõm. Như vậy, nhận định A sẽ chấm dứt kế hoạch đạp xe xuyên Việt được loại trừ. Sau khi dừng lại ở Quảng trường Hồ Chí Minh (trung tâm thành phố Vinh) để chụp ảnh lưu niệm, A qua cầu Bến Thủy và hướng thẳng đến Hà Tĩnh. Đến 17h30, A vào đến thị trấn Kì Anh và sau đó cậu ta tìm thuê khách sạn để nghỉ chân. Điều khiến hai thám tử khâm phục A là cậu ta tìm chỗ nghỉ chân sau một ngày đạp xe rất đúng giờ. Ngày nào cũng như ngày nào, cứ đúng 17h30 là A tìm đến khách sạn để nghỉ. Sau khi tắm rửa và ăn tối xong, bao giờ A cũng nhanh chóng trở về phòng nghỉ ngơi, tuyệt đối không ra ngoài tham gia vào các trò chơi thái quá.

Ngày 13 tháng 3, A bắt đầu đi vào địa phận Quảng Bình, đây là quãng đường tương đối khó khăn với A vì đoạn này rất nhiều đèo dốc. Có những quãng đường đèo dốc, A không thể ngồi lên xe đạp mà phải xuống dắt bộ hàng cây số. Một khó khăn nữa gây bất lợi lớn cho cả A và các thám tử đó là thời tiết không được thuận lợi. Nhìn A gò lưng đẩy xe dưới trời mưa, các thám tử không khỏi ái ngại. Cứ đà này có lẽ A không có đủ sức khỏe để tiếp tục thực hiện nốt chuyến đi cũng nên. Trời mưa, đèo dốc, đường lại vắng, nhiều lần hai thám tử đã định giúp đỡ A vượt đèo. Tuy nhiên, A không hề tỏ ra nao núng trước những khó khăn gặp phải, cậu vẫn cần mẫn dắt xe đạp vượt qua dốc đèo mà không có ý định dừng lại bắt xe khách đi nhờ.

Đến chiều, một sự cố nữa lại đến, xe đạp của A bỗng nhiên bị hỏng. Đường vắng không có tiệm sửa xe nào. Một thoáng phân vân hiện rõ, có vẻ như việc hỏng xe tác động mạnh đến tâm lý của cậu ta. Ngồi bệt xuống đường nghỉ lấy sức khoảng 5 đến 10 phút, sau khi xem xét tình trạng hỏng xe, cậu ta quyết định vác xe lên vai tiếp tục hành trình. Cũng may, vác được một đoạn khoảng 2km thì A nhìn thấy một quán sửa xe bên đường.

Hai ngày ở thành phố Huế mộng mơ

Phải mất ngày 14 và 15 tháng 3, A mới vượt qua được Quảng Bình, Quảng Trị để vào địa phận Thừa Thiên – Huế. Nơi đây đã thật sự lôi cuốn A bởi sự thanh bình, thơ mộng. A thuê phòng tại khách sạn Gold ở trung tâm thành phố Huế và cậu ta đã dừng chân tại đây hai ngày. A đạp xe thăm thú cảnh sắc, chụp ảnh lưu niệm khắp nơi. Tinh thần có vẻ phấn chấn thoải mái. Tuy nhiên, dù về đêm Huế đẹp lung linh cuốn hút lạ kì nhưng A vẫn giữ thói quen đi ngủ sớm, không ra ngoài, dưỡng sức để tiếp tục thực hiện hành trình tiếp theo. Quy tắc cùng với nghị lực phi thường của A khiến cho hai thám tử không khỏi khâm phục.

Ngày đạp xe đêm ngủ phòng 200USD tại Đà Nẵng

Ngày 18 tháng 3, A rời Huế và tiếp tục cuộc hành trình. Xác định quãng đường này có nhiều đèo dốc nên A xuất phát sớm.

8h, A trả phòng và rời khách sạn, hướng thẳng đến Đà Nẵng. Trời tương đối nắng nên A giảm tốc độ dưới mức trung bình. A cần mẫn đạp xe trên đoạn đường bằng, lần lượt dắt xe vượt đèo Dốc Tượng, Phú Gia… Những lúc mệt quá, A dừng lại ven đường để lấy sức rồi lại tiếp tục cuộc hành trình. Đến chiều thì A bắt đầu qua hầm Hải Vân để vào Đà Nẵng.

17h30, theo thông lệ, A tìm khách sạn để nghỉ qua đêm. Nếu như những lần trước A thường tìm những khách sạn hạng trung hoặc nhà nghỉ bình dân để dừng chân thì lần này A lại vào hẳn khu nghỉ dưỡng cao cấp bên cạnh bờ biển để thuê phòng. Các thám tử không khỏi bất ngờ khi thấy A chọn phòng nghỉ với giá 200USD/đêm. Thám tử Thắng nói đùa: “Ngày đạp xe mệt mỏi, đêm ngủ phòng 200USD cũng xứng đáng. Có vẻ cu cậu đang nâng dần mức hưởng thụ của mình lên”.

Mưa, nắng và đạp xe

Ngày 20 tháng 3, A bắt đầu rời khỏi Đà Nẵng. Một ngày ròng rã cùng với cái nắng nóng nhưng A vẫn không hề nao núng. Trên đường đi, không ít lần chiếc xe đạp dở chứng ở những chặng đường vắng, điều đó khiến A không khỏi lúng túng. Nhưng rồi A vẫn bình tĩnh gạt mồ hôi, cần mẫn sửa xe, nếu không sửa được thì dắt hoặc vác lên vai đi bộ. Đến lúc này cả hai thám tử đều nhận thấy ý chí quyết chinh phục chặng đường 1.700km từ Bắc vào Nam vẫn nguyên vẹn trong A. Mặc cho xe hỏng, thời tiết nắng mưa thất thường, với sức khỏe của thanh niên 17 tuổi, chưa một lần rời khỏi Hà Nội, không ai có thể nghĩ A sẽ thực hiện thành công hành trình như đã định. Vậy mà suốt mười mấy ngày liên tục, A vẫn không bỏ cuộc. Nhiều lần chứng kiến cảnh A tần ngần, mệt mỏi bên chiếc xe dở chứng, hai thám tử nhận định A chắc chắn sẽ vẫy một chiếc xe khách nào đó để đi nhờ. Nhưng rồi hàng trăm chiếc xe chạy qua mà A vẫn không hề đưa tay lên vẫy ra hiệu đi nhờ.

Từ ngày 21 đến 23 tháng 3 là những ngày mưa tầm tã do ảnh hưởng của biến đổi thời tiết phía Nam. Trên quốc lộ 1 mưa nhạt nhòa ấy, mặc cho mưa gió quấn vào mặt, cậu ta vẫn cần mẫn đạp xe lần lượt đi qua Bình Định, Phú Yên. Thời tiết cũng có một phần ảnh hưởng nên A giảm dần tốc độ, cho dù đoạn đường này tương đối bằng phẳng, không gồ ghề, đèo dốc như các tỉnh miền Trung. Nhìn A gò mình trên chiếc xe đạp trong trời mưa, gió mạnh, thám tử Thảo không khỏi ái ngại và cảm phục. Những ngày theo chân A bằng xe máy, anh và người bạn không ít lần cảm thấy mệt mỏi. Bản thân họ chưa từng nghĩ đến một ngày nào đó mình có thể đạp xe xuyên Việt. Thế mà trước mắt họ, một cậu bé 17 tuổi vẫn hết ngày này đến ngày khác gò lưng đạp xe tiến về phương Nam, bất kể trời mưa hay nắng. Càng tiến về phía Nam, thời tiết càng “đỏng đảnh” khác thường, lúc mưa rào tầm tã, lúc nắng gắt chói chang, không ít lần hai thám tử lo A ốm, không đủ sức khỏe để tiếp tục cuộc hành trình. Cũng thật may mắn là A đã không kiệt sức, dù có những lúc cậu thật sự mệt mỏi phải dừng chân nghỉ ngơi khá lâu. Điều đặc biệt là suốt cuộc hành trình từ Bắc vào Nam, lịch dừng chân của A vẫn được duy trì và thực hiện nghiêm túc. Đúng 17h30 tìm vào khách sạn hoặc nhà nghỉ bình dân để nghỉ, đêm không hề rời khỏi khách sạn để tham gia một trò vui nào.

Sau khi vượt qua các tỉnh miền Trung, A đã bắt đầu nhận những cuộc điện thoại của người thân. Một điều mà dường như A cố tình bỏ quên từ những ngày xuất phát.

Ngày 25 tháng 3, A đặt chân đến tỉnh Ninh Thuận. Sau khi tìm thuê khách sạn để nghỉ, A dành trọn 2 ngày để thăm thú cảnh quan nơi đây. Vẫn một mình đạp chiếc xe đạp cùng với chiếc bản đồ trên tay, A lần lượt tìm đến các địa điểm du lịch, thăm thú, chụp ảnh kỉ niệm.

Chào Thành phố Hồ Chí Minh

Sau khi vượt qua Bình Thuận, Đồng Nai, 10h sáng ngày 31 tháng 3, A chính thức đặt chân lên địa phận của Thành phố Hồ Chí Minh. Nhìn A dừng xe đạp đứng cạnh tấm biển địa giới của thành phố mang tên Bác, thám tử Thảo và Thắng không khỏi xúc động. Hôm nay là chính thức 23 ngày ròng rã theo chân A xuyên Việt. Trong 23 ngày đó A và họ cùng nếm trải không ít khó khăn vất vả để chính thức đặt chân lên điểm đích cuối cùng. Cũng đã có những lúc họ nghĩ A sẽ bỏ cuộc, sẽ đầu hàng trước những thử thách quá lớn đối với một người chưa đầy 20 tuổi, chưa một lần chịu khó khăn vất vả trong cuộc sống. Vậy mà A đã thắng, đã chinh phục được mục tiêu lớn đặt ra. Cho đến thời điểm này, sự khâm phục A lại càng tăng lên trong mắt họ. Sau khi đặt chân đến Thành phố Hồ Chí Minh, A đến khách sạn trên phố Nguyễn Thị Minh Khai thuê phòng nghỉ, kết thúc cuộc hành trình đầy mạo hiểm.

“Nếu không tận mắt chứng kiến, không sát sao bên A hơn 20 ngày, chắc không bao giờ có thể tin cậu bé ấy đạp xe 1.700km trong chừng đó thời gian, không một lần để mất ý chí, không một lần phải bắt xe khách dọc đường, ăn, ngủ, nghỉ rất có kỉ luật. Vượt qua thử thách khó khăn này, tôi tin A sẽ làm được những mục tiêu lớn hơn trong cuộc sống sau này” – thám tử Thắng không giấu nổi xúc động.

Từ đầu dây điện thoại bên kia, bố mẹ A cũng nghẹn ngào không kém khi biết tin A bình yên đến đích cuối cùng. Họ cũng không thể ngờ được con trai mình có thể làm được điều kì diệu đến thế. Suốt thời gian A rời khỏi nhà, họ luôn trong tình trạng lo lắng. Dù biết có thám tử bí mật hộ tống nhưng từ trong thâm tâm của người làm bố làm mẹ ấy, không thể tròn giấc ngủ mỗi đêm. Nỗi lo con ốm dọc đường, lo con không may gặp phải tai nạn nào đó. Nếu A là một cậu bé từng trải, từng có chuyến đi với bố mẹ hay bạn bè tương tự như thế thì họ một phần đỡ lo, nhưng A lại lần đầu xa nhà, thực hiện chuyến hành trình quá dài.

Bác của A nhận được tin báo đã tức tốc tìm đón A. Từ một góc bí mật, hai thám tử vẫn nhìn rõ được sự xúc động của người đàn ông ấy. Có lẽ cũng như họ, ngoài niềm vui gặp cháu ruột thì ông cũng không ngờ được sự thật A đã một mình đạp xe đạp 23 ngày trời để vào đây. Sau niềm vui mừng tủi gặp mặt, A được bác mình đưa về nhà nghỉ ngơi. Hai thám tử tạm thời hết nhiệm vụ, họ không khỏi quyến luyến nhìn theo thân chủ mà họ coi như là em trai nhỏ nhưng đầy nghị lực trong suốt hành trình xuyên Việt vừa qua.

Văn phòng thám tử VDT Sài gòn – Công ty thám tử tư VDT

Facebook
Twitter
LinkedIn
Telegram
Pinterest

Tham khảo thêm

Dịch vụ thám tử