Ảnh minh họa

Chồng Nhi là ông chủ địa ốc lớn ở Hà Nội lại phóng khoáng, hào hoa nên việc “canh” chồng của Nhi khá vất vả. “Lâu năm trong nghề” nên Nhi cũng có bề dày kinh nghiệm khiến Nam, chồng chị, ngày một “ngoan ngoãn và trong sạch”. Dù vậy tinh thần cảnh giác của Nhi vẫn ở chỉ số tối đa. Và nó quả không thừa.

Khi phu nhân làm thám tử

Một buổi cơm tối, chuông điện thoại di động của Nam reo gấp gáp. Nam nghe và giọng vâng vâng dạ dạ như gặp một bề trên nào đó. Nhưng tai Nhi thì nghe được tiếng trong máy là con gái và chắc chắn là U30. Quý cô nào mà khiến giám đốc tỉ phú lễ độ thế?

Kinh nghiệm dạy Nhi: hãy im lặng. Không chịu được đòn cân não, Nam chép miệng bâng quơ: “Ôi công việc bây giờ ngoại giao nhiều, bao nhiêu người mời mua bảo hiểm, mua sách rồi quảng cáo… Mệt quá!”. Màn kịch ấy hơi vụng. Nhưng thôi, Nhi tạm cho là như vậy.

Nam tắm thường mang điện thoại di động theo người. Một hôm trót để bên ngoài, không ngờ nó kêu rối rít. Cầm điện thoại, Nhi thấy trên màn hình chữ L nhấp nháy liên hồi. Hoảng như cháy nhà, Nam cuốn khăn lao ra đón điện thoại và chui tọt vào buồng tắm. Rồi một tối điện thoại cố định reo, chị thưa máy thì đầu dây bên kia thỏ thẻ tiếng con gái rồi ngập ngừng và dập…

Xâu chuỗi những câu chuyện đó, Nhi thấy không lành và tâm sự với một đồng minh là Tuyết. Tuyết nói: phải lấy được số điện thoại của L. Thời đó là những năm đầu điện thoại di động có ở VN nên hai chị phải đi mượn một chiếc điện thoại giống của Nam và tập truy nhập. Đợi lúc chồng ngủ, Nhi đã chép được số điện thoại của L. Đó là số di động.

Tuyết đoán: L có thể Lan, Liên, Loan, Lam, Lâm. Nhưng Liên là có khả năng nhất. Chị bấm số: “Em đang ở đâu đấy?”. Có lẽ bị bất ngờ, đầu dây trả lời: “Em đang ở cửa hàng”. Hình như giật mình, cô gái hỏi lại: “Chị là ai thế?”.

Tuyết nói: “Chị Thảo đây mà. Liên đấy phải không?”. “Liên đi ra ngoài chị ạ!”. “Thế à, nếu Liên về bảo gọi ngay cho chị Thảo “Ngọc Hà” nhá!”… Biết L làm ở cửa hàng nào đó và có một đồng nghiệp tên Liên… Kết quả của hai nữ thám tử nghiệp dư chỉ dừng ở đó và họ bó tay. Tuyết nhớ ra các thám tử chuyên nghiệp.

Chuông điện thoại lúc nửa đêm

Bước đầu, theo kinh nghiệm thì thám tử Thắng cứ theo dõi chặt Nam. Nhưng quá hai tuần mà Nam không có biểu hiện bồ bịch gì. Theo tiêu chí của các thám tử, như vậy là Nam đang trong sạch. Trước khi trả lời Nhi, Thắng xem lại nhật ký thám tử. Một chi tiết làm anh chú ý: 9g, uống cà phê ở Hàng Hành với một ông béo áo da. Gọi hai đen nóng, một bao 555. 9g30 móc ví lấy một sim điện thoại thay vào máy và bấm gọi…

Thôi đúng rồi! Chiếc sim điện thoại này có thể là chìa khóa vấn đề. Thắng nói Nhi phải giấu Nam, lấy sim điện thoại đang cất trong ví của anh ta và lắp vào máy rồi gọi đến số di động của Thắng để Thắng lưu lại số này. 1g đêm hôm đó Nhi thành công. Việc tiếp theo của Thắng là tìm xem Nam dùng sim này để làm gì. Biết được điều này, ngoài hai người trong cuộc thì chỉ còn bưu điện.

Sáng đầu tuần, Thắng gọi đến bộ phận thu cước điện thoại di động (thời điểm đó chưa có loại cước trả trước) nói: “Tôi là chủ của số điện thoại 091… (số thứ hai của Nam), hình như tháng trước tôi trả thiếu tiền cước, tôi đánh mất hóa đơn, nhờ chị xem lại” – “Anh nộp đủ rồi!”- “Tháng trước tôi gọi nhiều lắm mà?” – “Anh chỉ gọi một số di động là X… và một số cố định là Y…”.

Số X thì chính là số di động của L và số cố định Y duy nhất kia chắc cũng của L. Bấm máy gọi 108 (nay là 1080), Thắng hỏi xin địa chỉ của số điện thoại Y thì đầu dây trả lời số máy này không đăng ký giải đáp địa chỉ. Công việc lúc này là phải tìm ra ngôi nhà có số điện thoại Y.

Ba phương án được hình thành. Một: gọi vào số máy Y và nói là nhân viên bưu điện đến sửa điện thoại. Hai: cũng gọi vào số Y, đóng vai bộ phận thanh toán cước của bưu điện phát hiện có trục trặc trong việc hiện cước. Ba: tra qua danh bạ điện thoại lấy địa chỉ khoảng 10 số gần số Y nhất và chia nhóm đến thẳng khu vực đó.

Các thám tử phải khoanh vùng từng khu của những số điện thoại trên và sẽ đứng bên ngoài bấm điện thoại di động vào số Y. Nhà nào đổ chuông thì nhà đó L ở… Phương án một thi hành trước, bấm số Y, Thắng nói: “Điện thoại nhà chị bị chập với số Y2 ở phường K nên người ta nói toàn nghe nhầm phải chuyện của chị”.

Chắc L rất cảnh giác nên nói ngay: “Không, nhà tôi không ở phường K. Tôi không thấy máy này bị sao cả. Tôi không cần chữa!”. Phương án này xóa sổ. Phương án hai rất khó thi hành bởi kịch bản gần giống phương án một, rất dễ bị sinh nghi. Tốt hơn cả là phương án ba.

Bảy khu vực là các ngã ba, ngã tư, đầu ngõ… của các khu dân cư thuộc phường Khâm Thiên, Đống Đa có những số điện thoại đã liệt kê, được các thám tử khoanh vùng. Bắt đầu khoảng 12 giờ đêm, khi không gian yên tĩnh, hàng phố đã đi ngủ, các thám tử bấm điện thoại vào số máy Y ở khu 1, bấm xong báo hiệu cho khu 2. Và mỗi đêm chỉ bấm hai, ba lần, mỗi lần cách nhau một tiếng.

Theo cách này, lần gọi thứ ba của đêm thứ hai Thắng đã phát hiện căn nhà có số điện thoại Y: một căn nhà hai tầng, mặt ngõ khá khang trang và kín cổng cao tường. Việc tiếp theo là tìm chủ nhân ngôi nhà đó là ai.

Sau vài lần la cà ở quán nước, hàng rau cá gần đó để hỏi dò nhưng Thắng không thu được kết quả gì. Người ta chỉ biết nhà này có một bà mẹ trẻ, một đứa con nhỏ, một bà giúp việc. Họ mới chuyển đến đây và không giao lưu với bên ngoài. Hai ngày phục kích, Thắng mới thấy cô gái trẻ dắt xe đi ra. Thắng bấm điện thoại gọi vào nhà. Bà giúp việc nghe máy.

Thắng hỏi: “Lan đấy à?”. Bà già nói: “Không, Lan vừa ra ngoài. Ai đấy nhỉ?”. “Tôi, Hùng đây”. “Hùng nào thế?”. “Đấy có phải nhà cô Lan anh Tú không?”. “Không! Anh nhầm máy rồi”. Cuộc đàm thoại chấm dứt bởi bà già cũng hết sức cảnh giác. Thắng biết thêm cô gái tên là Lan.

Vấn đề chính là Lan quan hệ với Nam như thế nào? Câu trả lời chỉ có hai người biết rõ nhất. Vì vậy nhiệm vụ ngày mai của Thắng là phải tiếp cận Lan…

TRÂM ANH
Theo Tuoitre

Thám tử tư VDT

Facebook
Twitter
LinkedIn
Telegram
Pinterest

Tham khảo thêm

Dịch vụ thám tử