Phụ nữ có lẽ sẽ không bao giờ được chào đón vào lực lượng chấp pháp nếu không có Kate Warne, nữ thám tử tư đầu tiên ở Mỹ.

Dù là người tiên phong trong lĩnh vực chấp pháp, thông tin về tiểu sử của Kate Warne rất hạn chế. Hiện không tồn tại bức ảnh chụp nào được xác thực là của Warne. Bà cũng không để lại ghi chép tỉ mỉ về những lần tác nghiệp. Nhưng những điều này có vẻ rất phù hợp với người thường đóng nhiều vai khác nhau như bà.

Theo Democratic Enquirer, Kate Warne được sinh ra tại thị trấn Erin, New York vào năm 1830 hoặc 1833. Do xuất thân từ gia đình không mấy khá giả, học vấn của Warne khá hạn chế. Sau khi bỏ ước mơ làm diễn viên, bà kết hôn nhưng sớm mất chồng trong một vụ tai nạn. Góa bụa ở tuổi 23, Warne đặt chân vào Tổ chức Thám tử Quốc gia Pinkerton chi nhánh thành phố Chicago và tuyên bố muốn trở thành thám tử vào một ngày năm 1856.

Tổ chức thám tử Pinkerton được đặt tên theo người sáng lập Allan Pinkerton, người di dân gốc Scotland từng làm cảnh sát cho thành phố Chicago. Được thành lập vào thập niên 1850, tổ chức này mau chóng trở nên nổi tiếng vì có cách tiếp cận mẫn cán đối với những vấn đề phức tạp làm khó lực lượng chức năng địa phương.

Thoạt đầu, Allan Pinkerton lầm tưởng Warne muốn ứng tuyển vị trí thư ký vì tại thời điểm ấy, việc phụ nữ làm cảnh sát hoăc thám tử dường như chưa có tiền lệ. Quả đúng như vậy, phải hơn 50 nữa nước Mỹ mới có người nữ cảnh sát đầu tiên như Marie Owens tại thành phố Chicago hoặc Lola Baldwin tại thành phố Portland.

Tranh màu nước vẽ Kate Warne năm 1866. Ảnh: Chicago History Museum.

Trước thái độ do dự của Pinkerton, Warne chỉ ra rằng mình có thể “len lỏi và moi ra bí mật ở nhiều nơi mà thám tử nam giới không thể tiếp cận được”. Là phụ nữ, bà có khả năng khai thác thông tin tình báo về ý đồ phạm tội của những ông chồng, vốn thường tiết lộ với vợ kế hoạch làm giàu cho gia đình. Warne cũng có thể tận dụng một thực tế là đàn ông thường thích khoe khoang trước mặt phụ nữ.

Lúc này, Allan Pinkerton vẫn chưa hoàn toàn bị thuyết phục nhưng sau vài lần gặp mặt, ông quyết định bỏ qua thông lệ và nhận Warne vào làm, qua đó khiến bà trở thành nữ thám tử đầu tiên ở Mỹ.

Kate Warne háo hức được chứng tỏ bản thân và cuối cùng cũng có cơ hội vào năm 1858, khi bà được giao tìm manh mối trong vụ án công ty đường sắt Adams Express bị mất trộm tiền. Nghi phạm chính trong vụ án là Nathan Maroney, quản lý chi nhánh tại thành phố Montgomery, bang Alabama của công ty đường sắt, người cuối cùng nhìn thấy số tiền.

Dưới vỏ bọc ngụy trang, nữ thám tử mau chóng kết thân với vợ nghi phạm và được tiết lộ rằng Maroney đã trộm hơn 50.000 USD từ công ty. Chứng cứ Warne thu thập được không chỉ giúp kết án nghi phạm mà còn giúp công ty lấy lại số tiền 39.000 USD còn lại.

Đã được chứng kiến giá trị phụ nữ có thể mang lại cho công tác điều tra, Pinkerton thành lập Cục Nữ thám tử và để Warne phụ trách vào năm 1860. Cũng chính tại cương vị này, Kate Warne nhận vụ việc đánh dấu sự nghiệp cá nhân và làm thay đổi mãi mãi cách nhìn nhận của nước Mỹ đối với phụ nữ.

Năm 1861, Samuel Felton, chủ tịch một công ty đường sắt ở Mỹ, nghe được tin đồn về hoạt động ly khai tại thành phố Baltimore, bang Maryland. Để làm rõ ẩn họa đối với tuyến đường sắt của mình, Felton thuê tổ chức thám tử tư Pinkerton.

Allan Pinkerton đích thân tới thành phố Baltimore tìm hiểu và phát hiện mối nguy hiểm lớn hơn nhiều so với nhận định ban đầu của ông và Felton. Pinkerton yêu cầu được tiếp tục điều tra nhưng sẽ dồn sự tập trung vào âm mưu ám sát được cho là nhắm vào tổng thống đắc cử Abraham Lincoln của những kẻ theo chủ nghĩa ly khai.

Tháng 2/1861, Warne là một trong năm đặc vụ được chọn để cùng Pinkerton đến bang Maryland điều tra kế hoạch ám sát mà sau này được gọi tên là “Âm mưu Baltimore”. Bằng vỏ bọc quý bà miền Nam tới thăm thành phố, Warne thành công thâm nhập hoạt động ly khai tại đây, qua đó xác thực âm mưu ám sát Lincoln và khám phá nhiều chi tiết mấu chốt.

Theo Warne, những kẻ theo chủ nghĩa ly khai dự định tập kích tổng thống đắc cử khi ông dừng chân tại thành phố Baltimore trên đường tới thủ đô Washington D.C. nhậm chức. Chúng sẽ dàn cảnh ẩu đả đánh lạc hướng cảnh sát và tạo sơ hở cho đồng bọn tấn công mục tiêu. Xong xuôi, một đầu tàu gần đó sẽ đưa cả nhóm tới nơi an toàn.

Logo và khẩu hiệu của tổ chức thám tử Pinkerton. Ảnh: Pinkerton.

Với thông tin này, Pinkerton và Warne sắp xếp lại lịch trình di chuyển để tổng thống đắc cử có thể bắt chuyến tàu đêm đến một ga khác tại thành phố Baltimore sớm hơn dự kiến. Để an toàn, cặp đôi thám tử thuê đoàn tàu hỏa riêng và cho Lincoln cải trang thành người tật nguyền đi cùng em gái do Warne đóng giả. Cuối cùng, sau một đêm không ngủ nhưng đổi lại an toàn cho Lincoln, Pinkerton đã chọn câu “Chúng tôi không bao giờ ngủ” và hình con mắt mở to làm khẩu hiệu cùng logo cho tổ chức thám tử.

Thời điểm Nội chiến Mỹ kết thúc vào năm 1865, Warne tiếp tục theo đuổi những vụ án nổi tiếng như vụ Thuyền trưởng J.N. Sumner nghi bị em gái cùng gã người tình rắp tâm bỏ độc để chiếm gia sản. Để bóc gỡ âm mưu, Warne đọc sách bói toán rồi giả làm thầy tướng số xem bói cho Annie Thayer, em gái Sumner.

Thấy Warne có thể đọc lưu loát tiểu sử đời mình (thực tế là do Pinkerton thu thập từ trước), Thayer hết sức tin vào tài thiên bẩm của “thầy tướng số”. Cô ta tiết lộ rằng đã được gã nhân tình tên Pattmore chỉ đạo giúp giết vợ hắn và anh trai mình. Âm mưu hãm hại Sumner đổ bể, Pattmore phải ngồi 10 năm tù vì giết vợ.

Thành công của Warne trong những lần tác nghiệp phần lớn là do cách cư xử được Pinkerton nhận xét là niềm nở và thân thiện, dường như có thể khiến người đối diện háo hức muốn được chia sẻ những bí mật tội lỗi. Một yếu tố góp phần thành công khác còn là địa vị đặc trưng của Warne trong lực lượng chấp pháp. Thời kỳ đầu, không ai có thể nghi ngờ bà là thám tử vì điều đó khi ấy được cho là bất khả thi.

Khi không đi điều tra, Kate Warne tiếp tục công việc quản lý Cục Nữ thám tử đang ngày càng mở rộng quy mô với tư cách Giám sát viên nữ đặc vụ. Bà không chỉ quan tâm đến việc tạo chỗ đứng cho mình trong nghề thám tử và điệp viên mà còn muốn tạo tiền lệ cho thế hệ phụ nữ tương lai.

Dù cuộc đời của Warne kết thúc đột ngột vào năm 1868 ở tuổi 35 (hoặc 38) vì căn bệnh viêm phổi, di sản bà để lại vẫn tồn tại tới nay và luôn là nguồn cảm hứng. Khi viết về Warne, Pinkerton không những bày tỏ lòng biết ơn mà còn luôn gọi bà là một trong những đặc vụ giỏi nhất của ông. Warne được chôn cất tại khu dành riêng cho dòng họ Pinkerton tại nghĩa trang Graceland, thành phố Chicago.

Kate Warne được chôn cất tại nghĩa trang Graceland, nơi an táng của nhiều đồng nghiệp khác tại tổ chức Pinkerton. Ảnh: Chicago Tribune.

Tới nay, Kate Warne vẫn là nhân vật quan trọng trong những cuộc bàn luận về địa vị của phụ nữ trong lực lượng chấp pháp vì bà là người tiên phong làm thay đổi vĩnh viễn lĩnh vực từng là độc quyền của nam giới. Có lẽ công cuộc bình đẳng giới sẽ không bao giờ kết thúc, nhưng cuộc đấu tranh ấy đã dễ dàng hơn nhiều nhờ có Kate Warne.

Quốc Đạt (Theo Crime Read, Pinkerton)

Facebook
Twitter
LinkedIn
Telegram
Pinterest

Tham khảo thêm

Dịch vụ thám tử