Cần quyết sách lớn để tránh “sa lầy” bội chi

Tham tu tu VDT – Nếu Quốc hội không có quyết sách lớn về phân bổ đầu tư và sử dụng ngân sách thì nền kinh tế sẽ không thể thoát khỏi “sa lầy” về bội chi trong những năm tới…

TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trao đổi với VnEconomy khi Quốc hội chuẩn bị thông qua hai nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011 trong tuần làm việc mới,  từ 8-13/11.

Theo đại biểu Trần Du Lịch, những bất ổn của kinh tế vĩ mô sẽ nghiêm trọng hơn trong những năm tới vì nền kinh tế đang “sa lầy” bởi cách đầu tư rải mành mành, dừng không được mà tiếp tục thì sẽ tăng bội chi, nợ công.

Lỗ hổng về luật và bất cập trong điều hành

Thưa ông, trong phát biểu tại không ít kỳ họp ông đều thể hiện quan ngại về hiệu quả đầu tư công, phải chăng đây là vấn đề mà theo ông là chưa được đánh giá đầy đủ để có biện pháp đủ mạnh?

Theo tôi, nếu cách đầu tư như hiện nay thì chúng ta không tránh khỏi “sa lầy”, vì hiện nay có 1 đồng thì cho lập dự án tới 2- 3 đồng. Và cứ phân bổ cho địa phương và ngành, ông nào lo được thủ tục dự án sớm thì đưa tiền sớm.

Như vậy chúng ta vi phạm hai nguyên tắc lớn của đầu tư. Thứ nhất là không tuân thủ nguyên tắc chi phí cơ hội, tức là tiền vốn có hạn, cái gì lợi nhất tôi đầu tư trước, cái gì ít lợi hơn thì tôi làm sau. Nguyên tắc thứ hai là phải bảo đảm tính đồng bộ, bỏ tiền vào chỗ nào thì phải phát huy hiệu quả cái tôi đã làm. Tôi nhắc lại là cách đầu tư rải mành mành, thiếu giám sát tính đồng bộ, kéo dài thời gian hoàn thành, để tình trạng “vốn nằm chết” quá nhiều thì không thể mang lại hiệu quả .

Nhìn cả chương trình mục tiêu quốc gia; chương trình cho y tế, giáo dục ở nông thôn cũng thế, các dự án đều đầu tư “phần cứng”, tức là phần xây dựng cơ bản. Còn “phầm mềm” là nguồn nhân lực, trình độ quản lý… thì không chuẩn bị đồng bộ. Ví dụ, bệnh viện phải có bác sĩ, trường học phải có thầy… thì ông xin tiền đầu tư không tính nổi, mà còn tùy thuộc vào người người khác.

Tôi đã đến một bệnh viện rất hiện đại ở một huyện, nhưng thấy rất ít bệnh nhân nội trú, vì thiếu bác sĩ có trình độ, nên bệnh nhân vẫn lên tuyến trên và bệnh viện tuyến trên vẫn quá tải.

Với nguồn vốn có hạn nhưng vừa muốn kiên cố hóa trường lớp, làm điện, đường, trường trạm… trong khi đó nơi nào cũng xây trụ sở làm việc cho hoành tráng. Chúng ta phải có sự lựa chọn thôi.

Do đó tôi cho rằng phải thay phương pháp đầu tư, có nghĩa là có dự án 1 đồng thì lập dự án 1 đồng và cơ quan đề xuất dự án đầu tư phải tính toán cả hai nguyên tắc trên và có nhiệm vụ phải làm cho được chứ không phải chạy không được thì thôi.

Phải chăng nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do Luật Đầu tư công và Luật Quản lý kinh doanh vốn Nhà nước dù đã có nhiều ý kiến cho rằng rất cần thiết nhưng lại chậm được ban hành, thưa ông?

Hiện nay chúng ta nợ hai luật. Thứ nhất là Luật Đầu tư công, tức là đầu tư bằng ngân sách Nhà nước các công trình phúc lợi mà nhiệm vụ Nhà nước phải làm. Thứ hai là Luật Quản lý vốn kinh doanh của Nhà nước tôi đã đề cập từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 12 nhưng vẫn không làm. Đây là lỗ hổng về phương diện  pháp lý, gây ra tình trạng đầu tư kém hiệu quả, dàn trải, lãng phí như hiện nay.

Vì thế tại kỳ họp này, tôi đề nghị Quốc hội phải có quyết sách lớn về phân bổ đầu tư , trước mắt dừng 5 năm không xây trụ sở làm việc cho cơ quan nào cả, những dự án chưa khởi công dừng dự án để dùng tiền làm các công trình khác và giảm bội chi ngân sách xuống.

Bên cạnh lỗ hổng về luật như ông vừa phân tích thì tình trạng kém hiệu quả còn có nguyên nhân từ lỗ hổng điều hành và giám sát không?

Như tôi đã nói, bên cạnh tình trạng đầu tư vẫn theo quan điểm phân bố chia đều theo tư duy từ rất lâu và không quan tâm hai nguyên tắc nói trên, mặc dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đưa ra tiêu chí để phân bổ nguồn vốn, nhưng dường như là sau khi phân bổ theo kiểu “khoán trắng” thiếu kiểm tra đánh giá về hiệu quả trong thực hiện.

Với cơ quan lập pháp và giám sát thì tôi đề nghị Quốc hội là: để kỳ họp cuối năm có thể bàn về ngân sách thì tại kỳ họp giữa năm phải thảo luận cho kỹ về mục tiêu đầu tư của năm sau. Như 2011 tới đây thì tập trung ưu tiên cái nào, cái nào chưa ưu tiên, cần chờ đợi.

Khi Quốc hội thống nhất rồi thì Chính phủ phân bổ theo quan điểm đó. Tới kỳ họp cuối năm rà lại xem có đúng quan điểm đó không. Chứ nếu cứ như bây giờ, vốn năm trước chuyển sang năm nay, phần năm nay tiếp tục, thậm chí dự án của năm sau cũng tạm ứng cho năm nay làm, nơi nào xong thủ tục trước thì làm trước… thì tôi cảm nhận nhu cầu như “thùng không đáy”, thì không biết bội chi đến bao nhiêu mới đủ.

Đúng là doanh nghiệp đang khó khăn về vốn nhưng để giải quyết không có nghĩa là bơm tín dụng vô hạn. Bơm tín dụng thì dễ nhưng sẽ xảy ra lạm phát ngay, tăng công chi và tăng tín dụng là tăng tổng cầu nhưng nền kinh tế hấp thụ rất kém, nếu tăng nữa sẽ càng kém hiệu quả. Năm ngoái để tăng 1 đồng GDP tín dụng tăng 7 đồng, năm nay có lẽ cũng đến 6 đồng, thì ICOR cao là hệ quả tất yếu.

Không có ai chống lạm phát mà giảm lãi suất, chúng ta toàn đòi ngược thì làm sao mà làm được. Tôi đồng tình với nhận xét của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền khi trả lời phỏng vấn trên VnEconomy là chính sách tiền tệ và tài khóa không đồng bộ với nhau. Nói nôm na là trong 2010 chính sách tiền tệ như ông muốn rà thắng, còn tài khóa thì như ông muốn đạp ga, thì chiếc xe nó phải chập chờn thôi.

Theo phân tích của ông thì Luật Đầu tư công và Luật Quản lý vốn Nhà nước thực sự rất cần thiết. Vậy nhưng vẫn chưa được đưa vào dự kiến chương trình xây dựng luật trong năm tới?

Tôi rất tiếc là Quốc hội đang bàn chương trình lập pháp nhưng chưa thấy hai dự án luật này. Trong khi vấn đề đó đã đặt ra từ đầu nhiệm kỳ, nhưng dường như phía Chính phủ và các cơ quan soạn thảo rất khó khăn. Ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 12 tôi đã báo động là đến ngày 1/7/2010 là Luật Doanh nghiệp Nhà nước hết hiệu lực. Lúc đó vấn đề đặt ra là mối quan hệ chủ sở hữu nhà nước với người quản lý được xử lý như thế nào để đảm bảo kinh doanh sử dụng vốn. Nhiều đại biểu cũng đồng tình với tôi nhưng đến nay luật vẫn chưa được soạn thảo.

Xin lưu ý là trên thế giới, hầu như nước nào cũng có quốc doanh chứ không chỉ riêng Việt Nam mới có. Nước nào cũng có cả, thậm chí có nước quốc doanh chiếm đến 51% chứ không chỉ là 28% GDP như Việt Nam. Vậy tại sao người ta có luật để quản lý được mà ta không có được. Thậm chí có nghị định còn căn cứ vào đạo luật đã hết hiệu lực rồi thì làm sao mà quản lý tốt được. Vậy nên tôi mới nói đây là lỗ hổng pháp luật.

Và trong khi chưa có luật thì những hạn chế, yếu kém trong  điều hành vẫn diễn ra nhưng khó khắc phục, thưa ông?

Tôi thừa nhận, bởi vì quy định pháp luật không có nên khi điều hành thì rất là thoải mái. Tôi ví dụ trước đây điều lệ các công ty 91 đều là một nghị định của Chính phủ, tức là địa vị pháp lý rất cao. Ở một số nước điều lệ của tập đoàn thậm chí là một đạo luật. Và ai ban hành điều lệ đó thì doanh nghiệp phải báo cáo hoạt động cho cơ quan đó. Nếu điều lệ là nghị định của Chính phủ thì doanh nghiệp phải báo cáo hoạt động của mình cho Chính phủ chứ không phải báo cáo cho Thủ tướng. Còn nếu là đạo luật thì hoạt động của doanh nghiệp đó phải báo cáo cho Quốc hội.

Còn bây giờ nhiều tập đoàn lớn hơn, quy mô to hơn nhưng điều lệ chỉ là quyết định của Thủ tướng, thì địa lý pháp lý đã giảm xuống rất nhiều; thậm chí có tập đoàn đả hoạt động một thời gian rồi nhưng chưa có điều lệ.

Vấn đề nữa theo tôi cũng cần quan tâm là nếu quản lý ngân sách cứng thì không bao giờ Chính phủ đứng ra chỉ định cho vay hay bảo lãnh cho doanh nghiệp cả, nếu có Luật Đầu tư công thì không cho phép như vậy.

Để có đột phá liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, tôi đề nghị sử dụng một cơ chế ngân sách cứng, có nghĩa là Chính phủ không nên bảo lãnh, chỉ định cho vay tất cả những gì liên quan đến quản lý về nợ công đối với tất cả các doanh nghiệp, những vấn đề này nên có sự tham gia của Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và công khai, minh bạch.

Cần làm rõ hơn về giải pháp

Theo nghị trình, vào đầu tuần sạu, Quốc hội sẽ thông qua hai nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và dự toán ngân sách cho năm 2011. Theo ông những giải pháp nào cần được quan tâm đặc biệt để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô như quan điểm đã được Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh?

Báo cáo về kế hoạch 2011, Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh cần tập trung tái cấu trúc nền kinh tế, nhấn mạnh sự ổn định vĩ mô với 3 nội dung: giảm nhập siêu, giảm bội chi và kiểm soát lạm phát. Nhưng mà những giải pháp đi kèm theo thì chưa rõ, chưa có bước đột phá. Ví dụ như tôi đã nói ở trên, để giảm bội chi thì tạm ngưng tất cả dự án xây trụ sở làm việc. Chứ nơi nào cũng thích trụ sở hoành tráng cả, trong khi vừa muốn kiên cố trường lớp, giao thông, thủy lợi.. thì làm sao mà làm được, lấy tiền đâu ra.

Tại kỳ họp Quốc hội thứ sáu và bảy ông đã rất quyết liệt đưa ra yêu cầu về tái cấu trúc và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Vậy vấn đề này đã tiến triển như thế nào, ông có thể cho biết rõ hơn?

Chính phủ cũng đã nghiên cứu và đã báo cáo dự thảo cho Quốc hội tại kỳ họp trước, nhưng có lẽ vấn đề tái cấu trúc kinh tế do tính dài hạn của nó nên sẽ chuyển hóa nội dung vào kế hoạch 5 năm và chiến lược 10 năm. Tôi đang hy vọng như vậy.

Chỉ lấy ví dụ lĩnh vực công nghiệp ôtô, mười mấy năm mở cửa, quan điểm của ta là  kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài vào, “hy sinh” thị trường cho nước ngoài vào để lấy công nghệ. Vậy nhưng sau mười mấy năm tôi thấy thị trường “hy sinh” cho các hãng ôtô, mà công nghệ chưa thấy đâu. Chỉ có ngành xe tải và xe khách tương đối tốt, còn xe du lịch  7 chỗ và 4 chỗ gần như là con số không, nếu xét về tỷ lệ nội địa hóa. Thế mà gần đây lại nghe nói sẽ giảm thuế nhập khẩu xe tải thì không hiểu ta hướng đến mục tiêu gì. Vì nếu làm thế các công ty sản xuất ôtô tải và xe khách nội địa có thể sớm chết yểu, mà chưa ai ép mình làm cái chuyện đó cả.

Theo tôi, để tái cấu trúc nền kinh tế, giải quyết vấn đề gốc của ổn định vĩ mô thì vấn đề quan trọng không phải là ta kêu gọi là tái cấu trúc thế này, tái cấu trúc thế kia mà các chính sách kinh tế, đặc biệt là thuế, tín dụng và ngoại hối phải phục vụ mục tiêu đó theo nguyên tắc : chính sách kinh tế, tài chính tác động vào thị trường và chính thị trường sẽ tác động vào định hướng đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

Thúy Hòa

Theo vneconomy

Thám tử tư VDT

Tags: tham tu VDT, dich vu tham tu, cong ty tham tu, tham tu sai gon, tham tu da nang, tham tu hai phong, tham tu viet nam, tham tu tu gia re

Facebook
Twitter
LinkedIn
Telegram
Pinterest

Tham khảo thêm

Dịch vụ thám tử