Tuy nhiên, số đông không phải bao giờ cũng đúng! Nên nhìn nhận vấn đề khá phổ biến này như thế nào? Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến qua e-mail: phunucn@baophunu.org.vn.
CHỈ MỘT PHƯƠNG ÁN
Hải kể, chiều sếp mời đi ăn cơm khách. Cả cơ quan sếp chỉ mời riêng anh, quả là một vinh hạnh, và cũng là một lời mời không thể từ chối. Biết tính vợ hay vặn vẹo, truy vấn khi mình không về nhà đúng giờ, anh nhắn tin báo, rồi chuyển điện thoại sang chế độ im lặng. Hải thừa biết vợ anh sẽ điên lên như thế nào khi đọc được dòng tin: “Anh có việc, em cứ ăn cơm đi“. Hai hôm trước, Hải cũng đã đi suốt đêm. Vợ chồng cãi nhau một trận tưng bừng vì cả đêm vợ anh không ngủ, lòng vừa tức, vừa lo, lại… tủi thân vì chồng “chẳng coi mình ra gì, không gọi thì cũng nhắn tin cho biết…”. Hải đã nhận lỗi và thề sống thề chết sẽ không có lần thứ hai. Nhưng mới được một ngày, lời hứa lại bị vi phạm. Tảng sáng hôm sau, Hải lọ mọ về nhà với bộ quần áo xộc xệch, nồng nặc mùi rượu bia. Anh chỉ biết thanh minh “nhậu xong, đưa sếp về nhà, thấy anh xỉn quá, sếp lôi vào nhà ngồi nghỉ cho khỏe… rồi ngủ quên”. Đương nhiên, lời thanh minh không được chấp nhận.
Hải tâm sự, đàn ông không nhậu cũng khổ, khi đã nhậu mà bị vợ gọi còn khổ hơn. Vì lúc đó, người bị vợ gọi sẽ trở thành nhân vật trung tâm để cả bàn nhậu xì xào, bỡn cợt. Lúc rượu vào, mồm miệng đàn ông cũng độc ra phết. Cánh nhậu thừa biết vợ gọi là vì thương chồng chứ không phải ghét bỏ gì, nhưng “thương” ngay thời điểm diễn ra tiệc nhậu được xem là sự thể hiện tình thương không đúng lúc, đúng chỗ, làm mất thể diện chồng. Không muốn mình trở thành trò cười, cách tốt nhất là tắt điện thoại, dù biết làm vậy càng khiến vợ nghi ngờ hơn. Bù lại, anh giữ được uy tín với bạn nhậu, không bị mang tiếng là sợ vợ.
VÌ SAO ANH QUA ĐÊM?
Loại bỏ những kỳ công tác xa, không còn lý do “đi qua đêm” nào được các bà vợ chấp nhận, nhất là hiện nay, những chuyện tình một đêm đang lan dần vào đời sống của một lớp người tự cho mình là hiện đại và cố sống theo “văn hóa phương Tây”. “Nếu có em nào tình nguyện yêu ông một đêm, chỉ một đêm thôi, ông có chịu không?” chị Mỹ Kim hỏi chồng. Câu trả lời thường bị lảng tránh, nhưng theo chị, tình một đêm là… mơ ước của nhiều ông có vợ. Vì vậy, chị vẫn giữ nguyên lập trường: “Đàn ông đã có vợ thì chỉ có con đường… ngủ nhà là đúng đắn nhất”.
“Nhưng với đàn ông, điều đó chỉ đúng một phần. Phần còn lại tùy thuộc vào thiện chí phía… “nửa kia” – Tấn Hoàng, kỹ sư điện, nói. Thực tế, có lần thi công xong một đường dây trung thế, khi chờ lãnh tiền, cả đội rủ nhau ra quán liên hoan. Tàn tiệc ai về nhà nấy, trừ Hoàng. Hỏi, anh không trả lời mà lè nhè bài vè của cánh đàn ông như “thay lời muốn nói”: Còn tiền… vợ nói líu lo/Hết tiền thì… vợ hét, “ho” suốt ngày!/Còn tiền… vợ hiền như nai/Hết tiền… vợ mắng như nài quản voi!/Tiền lãnh đợt này, Hoàng bị trừ gần hết vào khoản đền bù tai nạn giao thông do anh gây ra, đã được cơ quan ứng trước. Trong khi đó vợ anh cứ khăng khăng là anh kiếm chuyện giấu tiền xài riêng. Bây giờ, về nhà trong tình trạng không tiền, lại đầy mùi men, khác nào chui vào… cối xay chả lụa!
Dù không được những bà vợ chấp nhận kiểu “đêm đông không nhà” nhưng vì nhiều hoàn cảnh “đẩy đưa”, khi lâm vào cảnh ấy, cánh đàn ông cũng đưa ra được một mớ những lý do đại loại:
– Nếu vợ không còn tiếng nói chung với chồng, không có sự chia sẻ, đồng cảm, thì chồng dễ rơi vào trạng thái cô đơn, rầu rĩ. Có người lao vào công việc vì tìm thấy sự bình yên ở đó và cũng có người không muốn về nhà để tránh cảm giác trống trải bên vợ con.
– Vợ là người hay lý sự, thích chì chiết và thường trầm trọng hóa vấn đề, khiến chồng thấy mệt mỏi, thiếu cảm giác an toàn và rơi vào trạng thái lo âu không biết lúc nào “chiến tranh sẽ đổ ụp xuống đầu”. Thế là, chồng rong ruổi trên đường phố, nhà bạn bè, trong quán bia…
– Nếu về nhà mà lúc nào cũng cảm thấy phận mình bé bỏng trước quyền uy của vợ; không khí trong gia đình luôn ngột ngạt, thiếu “nhân quyền”, thì cần tranh thủ ra ngoài một đêm, để nạp thêm “ôxy”.
– Nếu bị vợ áp dụng chiến thuật “cấm vận”, hãy tận dụng cơ hội này để có lý do không cần thiết ngủ nhà!
Cuối cùng, chuyện quản lý chồng có vẻ giống với việc bốc cát bằng tay. Nếu nắm khe khẽ, cát sẽ còn trong tay; cố nắm thật chặt, cát sẽ chảy ra ngoài từng đêm một!
Khánh Huy
(Nguồn phunuonline)
Thám tử VDT