Được xem là có một quãng thời gian dài bị bỏ quên, thể loại truyện trinh thám đang dần quay lại. Sự quay lại này không chỉ được thể hiện ở các tác phẩm văn học dịch mà còn ở cả sự xuất hiện của các cây bút trong nước. Đây được xem là một tín hiệu đáng mừng, thể hiện sự đa dạng hóa văn học trong nước hiện nay.

Hào hứng trinh thám ngoại

Trong cuộc hội thảo về văn học trinh thám được tổ chức tại Hội sách TPHCM vừa qua, nhà nghiên cứu kiêm dịch giả Nguyễn Tiến Văn khẳng định, văn học trinh thám đã từng có một lịch sử phát triển khá lâu và lớn mạnh tại Việt Nam. Có thể kể, đó là từ dòng trinh thám của Trung Quốc thông qua những câu chuyện dạng Bao Công đến dòng trinh thám châu Âu tràn vào Việt Nam những năm trước 1945.

Các tác phẩm trinh thám đáp ứng được nhiều yêu cầu của bạn đọc như tâm lý an lòng, sự trừng phạt đối với tội ác… Tuy nhiên, một thời gian dài sau này, do những yếu tố lịch sử mà dòng văn học trinh thám dần bị bỏ quên, văn học trong nước trở nên mất cân đối khi chỉ còn tập trung vào các tác phẩm văn học mang tính hiện thực xã hội.

Cùng với sự mở cửa hội nhập, văn học trinh thám bắt đầu tràn vào trong nước, nhưng chưa gây ấn tượng với bạn đọc. Phải đến khi Mật mã Da Vinci của Dan Brown xuất hiện, mới thấy văn học trinh thám thế giới đã có những sự thay đổi hoàn toàn, không còn thuần túy hai loại trinh thám như trước đây là trinh thám chính trị và trinh thám hành động, tiểu thuyết trinh thám hiện đại còn bao hàm cả những khám phá về y học, vật lý, hóa học, thiên văn…

Có thể nói Mật mã Da Vinci đã kích thích nhu cầu đọc sách trinh thám của bạn đọc trong nước và kéo theo đó là cả nhu cầu in ấn sách trinh thám. Những đơn vị làm sách lớn nhảy vào cuộc đã làm thị trường sách trinh thám trở nên sống động hẳn với hàng loạt tác phẩm vừa được giới thiệu như Nhã Nam với Việc máu, Bầy chó Riga…, Kẻ săn người (NXB Thời đại), Mắt mèo (Công ty Tân Việt)…

Bất ngờ trinh thám nội

Khác hẳn với các dòng văn học đang ăn khách của thế giới khác như huyền ảo, thần thoại, lãng mạn… khi vào Việt Nam, văn học trinh thám nhận được sự hưởng ứng đáng kể của những nhà văn trong đó chủ lực lại là các nhà văn trẻ, hơn thế nữa còn là các nhà văn nữ trẻ.

Mở đầu là tác phẩm Trại hoa đỏ của nhà văn Dili. Đây là tác phẩm được cho là học hỏi kiểu trinh thám pha chất kinh dị của Trung Quốc, mà tiêu biểu là các tác phẩm của cặp vợ chồng Quỷ Cổ Nữ. Trại hoa đỏ đã gây bất ngờ, vì lần đầu tiên một nhà văn trẻ hiện nay lại nhảy vào đề tài trinh thám. Tuy nhiên, do là tác phẩm mới lại của một nhà văn cũng khá mới nên Trại hoa đỏ chỉ được đánh giá cao về tính lạ, còn về giá trị văn chương thì không nhận được nhiều đánh giá tích cực.

The Jocker (tác giả Phan Hồn Nhiên) vừa ra mắt đã thu hút sự chú ý của bạn đọc.


Tại Hội sách TPHCM lần thứ 6 vừa được tổ chức, nữ nhà văn trẻ Phan Hồn Nhiên cũng gây bất ngờ khi tác phẩm mới nhất của chị lại là một tác phẩm mang màu sắc trinh thám có nhan đề The Joker. Bất ngờ nhưng không ngạc nhiên, vì sau một loạt tác phẩm về các vấn đề xã hội nhất là những vấn đề liên quan đến thế hệ trẻ, Phan Hồn Nhiên đã thử sức mình với các đề tài mới mà mở đầu là đề tài huyền ảo, với tác phẩm Những đôi mắt lạnh cực kỳ ăn khách trong bạn đọc tuổi mới lớn.

Với The Joker, Phan Hồn Nhiên đã cho thấy chị lại thành công với một đề tài mới lạ, tác phẩm có thể coi vừa là một tác phẩm trinh thám lại vừa là một tác phẩm tâm lý xã hội. The Joker đã đứng trong danh sách những tác phẩm ăn khách nhất tại hội sách.

Trại hoa đỏ thuộc thể loại trinh thám kinh dị, The Joker trinh thám mang yếu tố xã hội hiện đại, cả hai tác phẩm của hai nữ nhà văn trẻ đã mở ra một cánh cửa sáng tác cho các nhà văn trong nước. Đó là, thay vì thể hiện những vấn đề xã hội qua thể loại văn học hiện thực xã hội như các nhà văn trẻ vẫn hay làm hiện nay, thể loại trinh thám sẽ là một cách thể hiện mới, hấp dẫn bạn đọc hơn, đem lại sự đa dạng cho nền văn học trong nước.

TƯỜNG VY

Theo SGGP

Facebook
Twitter
LinkedIn
Telegram
Pinterest

Tham khảo thêm

Dịch vụ thám tử