Một người đàn ông gọi điện đến văn phòng Công ty Thám Tử , dè dặt và cay đắng nói: “Đứa con đẻ của tôi hình như đã bị đánh tráo bằng đứa trẻ tôi đang nuôi…” Và công việc của những Thám Tử “Sherlock Holmes” là làm thế nào tìm ra được sự thật.
Ngày 15/10/1990, vợ chồng Bình – Trang ngất ngây trong hạnh phúc sắp sinh con đầu lòng. Họ đưa nhau về quê nội để khoe với họ hàng về thằng cháu đích tôn sắp chào đời. Đang ríu rít trên đường thì Trang kêu đau bụng, mặt vã mồ hôi. Linh tính cho Bình biết vợ anh sắp lâm bồn. Gọi xích lô, anh đưa vợ vào nơi gần nhất có thể sinh con. Đó là một trạm xá thuộc huyện Thường Tín, Hà Tây.
Làm thủ tục xong, để vợ ở lại trạm, Bình xách cặp lồng chạy ra quán mua thức ăn. Chân bước đi mà lòng người bố trẻ chỉ nghĩ đến lúc được ôm thằng cu con của mình. Thằng bé đã được đặt sẵn tên là Nam vì những bà mụ giàu kinh nghiệm gặp Trang đều nói đó là con trai. Các bác sĩ khám thai cũng nói con trai. Người nhà quê đi xem bói càng khẳng định là thằng cu. Nhất là lúc nãy chị hộ sinh cũng nói chắc chắn là con trai…
Về đến trạm xá, Bình được mọi người hân hoan chúc mừng: mẹ tròn con vuông. Lao vào phòng, Bình thấy vợ hôn mê, nằm bên là một hài nhi đang o e khóc. Vợ Bình sinh con gái.
Đứa trẻ được đặt tên là Hồng. Bé lớn dần và anh chị thấy nó hình như ngày một không giống bố mẹ, cũng không giống bất cứ ai trong hai họ.
Họ anh Bình có 22 đứa trẻ thì không ai tóc xoăn như Hồng. Cặp mắt xếch rất ấn tượng của con gái họ Lỗ nhà anh thì Hồng không thừa hưởng. Dáng đi, phom người, tính cách của Hồng ngày càng khác bố mẹ, họ hàng. Bệnh hắt hơi của họ nhà anh di truyền đến các con cháu, mà riêng Hồng không có biểu hiện này…
Căng thẳng quá, vợ chồng anh đi xem bói. Thầy bói nói rằng con anh chị đang ở xa, nhà anh chị có người lạ đến ở… Nỗi ám ảnh lớn dần và không ngừng cắn xé tâm can, vợ chồng Bình quyết định nhờ đến Công ty Thám Tử Tư. Người được họ chọn mặt gửi vàng là thám tử tên Châu. Từ đây, hành trình đi tìm đứa trẻ bị đánh tráo bắt đầu.
Thám Tử Châu đặt một phòng trọ ở thị trấn huyện Thường Tín rồi phóng xe xuống trạm xá nơi Hồng chào đời. Sau vài ngày nghiên cứu địa bàn, Thám Tử Châu quyết định tiếp cận ông bảo vệ trạm xá.
Chiều mưa khách vắng, bác bảo vệ lững thững ra quán nước đối diện bên đường hút điếu thuốc lào. Chàng Thám Tử xởi lởi bắt chuyện và mời bác “ăn” thêm chén rượu cùng nắm lạc rang. Châu nói: “Vợ chồng cháu từ miền Nam ra. Cháu đang xin việc ở huyện. Vợ cháu muốn xin việc vào trạm xá này. Nhờ bác chỉ đường…”.
Hỏi chuyện, Thám Tử Châu biết trạm xá hiện có 5 cán bộ nhân viên. Người làm lâu nhất là bà Hường với 22 năm công tác, 4 người còn lại thời gian đều dưới 10 năm. Như vậy người duy nhất có thể có mặt khi Hồng chào đời là bà Hường.
Bà Hường quê gốc ở xã này, không có con hay cháu trạc tuổi Hồng. Bề ngoài bà là người phụ nữ nhân hậu, chân chất. Thông qua bác bảo vệ, Châu gặp bà. Lý do chính vẫn là xin việc cho vợ. Bà Hường không nhớ gì về những người vãng lai sinh con ở trạm xá này. Hồ sơ của trạm về những ca sinh chỉ ghi vắn tắt trong cuốn vở học sinh rồi cuối năm bỏ đi… Manh mối không có gì sáng sủa.
Thám Tử Châu quyết định sẽ ngửa bài với bà. Giả sử chuyện nhầm con có thật thì sẽ có hai trường hợp xảy ra. Thứ nhất, nếu bà không chủ ý đánh tráo thì chắc chắn với tình cảm của mình, bà Hường sẽ giúp Châu. Thứ hai, nếu bà ta là thủ phạm thì cũng sẽ lộ thái độ. Châu nói: “Thật ra cháu có anh chị ruột sinh con ở đây vào ngày 15/10/1990 nhưng gia đình lo ngại trạm xá giao nhầm con…”.
Bà Hường rất ngạc nhiên và sốt sắng hỏi kỹ câu chuyện. Bà cho biết trước năm 1993 trạm xá có 2 bà mụ thay nhau là bà và một đồng nghiệp tên Gấm. Bà Gấm góa chồng từ lâu và đã mất cách đây 4 năm. Bà Hường không nhớ ngày 15/10/1990 ai là người đỡ đẻ…Thám Tử Châu xác minh chuyện bà Gấm là có thật. Thái độ của bà Hường cũng rất trong sáng và câu chuyện lại đi vào ngõ cụt.
Lần thứ hai quay lại trạm xá với hy vọng vớt vát vận may, Châu lại vào quán nước đối diện. Nắng trưa đổ lửa xuống đồng làng. Quán nước lợp mái gianh rợp bóng mát của một cây phượng xù xì cổ thụ. Bà lão bán quán nói chuyện với khách: “Thế mà ngày xưa ông trưởng trạm định chặt đi vì sợ nó đổ, gây tai nạn. Ngày trước có ông khách Hà Nội, vợ đau đẻ dọc đường đưa vào đây. Ông nói con trai thì đặt tên là Phượng vì cây phượng này quá đẹp. Đối diện nhà ông ấy cũng có một cây phượng giống hệt thế”.
Sao bà nhớ lâu thế?”, Thám Tử Tư dò la. “Vì hôm ấy trạm này có hai bà qua đường vào đây đẻ nhờ. Xưa nay chẳng có bao giờ…”. Bà nói tiếp: “Trạm này gần quốc lộ 1 nên mỗi năm có 1-2 người đi qua bất ngờ trở dạ dọc đường, ghé vào đẻ nhờ”. Nhưng một ngày có hai người như thế thì bà mới thấy một lần. “Lâu chưa bà?”, Châu hỏi. Bà đáp: “Dễ hơn chục năm rồi”…
Câu chuyện vu vơ này vẫn được ghi vào nhật ký Thám Tử Tư và báo cáo về công ty nhưng Thám Tử Châu không thật sự để tâm. Nhưng chính nó lại là cánh cửa của những bí ẩn sau này…
Gặp lại thân chủ, Thám Tử Châu cố động viên xem họ có nhớ thêm được điều gì. Khi hỏi đến những người cùng sinh trong trạm xá hôm đó có trò chuyện hay mang đồ đạc gì thì chị Trang chỉ nhớ một sản phụ sinh cùng giờ với chị có nhắc đến từ “Hàng Tre”.
Còn anh Bình nhớ mang máng biển số xe máy anh chồng chị kia là biển 31 – Hà Nội. Từ manh mối này, Châu quay lại gặp bà Hường. Bà cho biết ngày mà có hai sản phụ vãng lai cùng đến chính bà giúp họ mẹ tròn con vuông. Bà không nhớ tên tuổi, địa chỉ của ai và sinh trai, gái thế nào. Nhưng bà khẳng định 90% các sản phụ vãng lai ở đây đều là người Hà Nội. Ai không là người Hà Nội thì bà nhớ ngay…
Châu nghĩ những người sinh con xong chắc chắn phải công khai ngay là trai hay gái. Điều này có nghĩa là sự nhầm lẫn chỉ có thể xảy ra giữa hai người sinh cùng giờ khi chưa ai biết con mình trai hay gái. Cặp đó có thể là chị Trang và sản phụ người Hà Nội kia. Câu chuyện còn lại chỉ là một cây phượng chẽ đôi trên con phố nào đó của Hà Nội.
Cách duy nhất có thể tìm cây phượng đó chính là… ra phố. Các Thám Tử Tư chia năm nhóm, khoanh vùng theo bốn quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Đống Đa. Sau 3 ngày thì có 4 cây phượng được đưa vào nhóm “khả nghi”. Các Thám Tử Tư tự sắm vai diễn để tìm cậu học sinh lớp 8 hoặc 9 tên Phượng nhà đối diện cây phượng.
Thám Tử Châu phụ trách cây phượng ở quận Đống Đa giống nguyên mẫu nhất. Cắp cặp, đeo kính, bút cài áo trắng như một thày giáo, Châu gặp các em thiếu niên nhà gần đó hỏi cho gặp Phượng, học sinh lớp 8 trường B (một trường cấp II gần đó). Không vất vả lắm, Châu được chỉ đến ngôi nhà mặt phố nhìn thẳng ra cây phượng. Gõ cửa, rất may người mở cửa là một cậu học trò mảnh khảnh, hiền lành.
Nghe chừng chỉ có một mình cậu ở nhà, Châu nói: “Anh là cán bộ Đoàn đi lập hồ sơ cho những học sinh tham gia cuộc thi “Những người bạn cùng tên”. Cậu bé mở cửa, mời Châu vào nhà và cuộc trò chuyện cởi mở bắt đầu. “Em sinh ở đâu nhỉ?”, Thám Tử hỏi. “Hà Tây ạ!”. “Ơ sao lại Hà Tây?”. “Bố mẹ em về quê, đến Thường Tín thì đẻ em”. “Em sinh ngày…?”. “15/10/1990”…
Phượng cho biết bố làm cán bộ phường, mẹ bán hàng bánh kẹo, giải khát đối diện cổng chợ Ngã Tư Sở. Thế là đứa trẻ đáng nghi thất lạc 13 năm trước nay đã tìm ra.
Theo dõi một ngày, Thám Tử Châu biết địa điểm bán hàng của mẹ Phượng. Người cần tìm đã thấy nhưng làm sao xác minh rằng những đứa trẻ có bị đánh tráo?
Nhiều cân nhắc, cuối cùng Châu đưa ra phương án: hai gia đình kết thân, sau đó sẽ tế nhị đưa ra từng phần câu chuyện để dò thái độ đối phương và cách giải quyết phù hợp. Kịch bản được diễn: qua 3 lần vào mua hàng khi chị Hà vắng khách, chị Trang gây ấn tượng bằng cách mua nhiều, không mặc cả và khá vui chuyện. Một hôm anh Bình chở chị Trang đi qua để chị vào chợ mua sắm, rồi đi thẳng. Mua hàng xong, chưa thấy chồng đón, chị Trang lại vào quán chị Hà đợi chồng.
Hai người nói đủ thứ chuyện. Hết chuyện chồng sang chuyện con. Vì cả hai có con cùng tuổi nên câu chuyện càng rôm rả. Chị Trang nói con chị được sinh dọc đường, trong trạm xá ở Hà Tây. Chị Hà ồ lên và hai người quấn quýt nhận ra 13 năm trước họ cùng hoàn cảnh. Cùng lúc anh Bình đi đến. Chị Trang hồ hởi giới thiệu với chồng người “bạn đẻ” năm xưa.
Qua thái độ của vợ chồng Hà – Dũng, Châu không thấy dấu hiệu gì của sự sợ hãi, cảnh giác hay trốn tránh. Tóm lại họ vô tư, hồn nhiên. Họ cũng chưa có cảm giác nhầm con như anh chị Bình – Trang. Chỉ có Bình – Trang khi gặp cháu Phượng thì mất bình tĩnh và khi về họ khăng khăng đó đúng là giọt máu dòng họ Lỗ nhà anh Bình.
Nỗi nghi hoặc hơn 10 năm chỉ có thể giải quyết triệt để và minh bạch bằng khoa học. Trước hết là thử máu Hồng và bố mẹ. Nếu không trùng sẽ nói thật với anh chị Dũng – Hà, hoặc sẽ tìm cách lấy mẫu ADN của Phượng.
Nhiều đêm Bình – Trang thức trắng nhìn con ngủ nhưng họ thấy mình không thể đối mặt với những tình huống khi lấy mẫu ADN. Châu nói với họ: “Dù con anh chị là Hồng hay Phượng thì cả hai đều đang có cuộc sống tốt đẹp”. Chúng đang được hưởng những gì tốt nhất mà người lớn có thể đem lại. Nếu chúng biết câu chuyện này, dù là con ai đi nữa thì chắc chắn chúng cũng bị tổn thương. Đó là chưa kể đến những người là cha mẹ chúng khi phải đối mặt với những tác động khôn lường từ bản thân, đời sống và dư luận.
Điều dằn vặt trước đây của vợ chồng anh Bình – chị Trang là không biết con mình là ai trong hàng triệu trẻ sinh năm 1990, nhưng nay đã biết chắc chỉ một trong hai đưa Hồng – Phượng. Trước đây không biết con mình sống ra sao, nay biết rõ từng bữa cơm chúng ăn gì, chúng học hành ra sao. Như vậy chuyện còn lại với anh chị Bình – Trang là tự biết hạnh phúc với những kết quả đó, tự biết giải quyết những dằn vặt trong mình. Sự thật về những đứa trẻ bị cuộc đời đánh tráo ấy, nếu cần sẽ được đề cập vào lúc hợp lý. Có thể là khi những đứa trẻ đã đủ trưởng thành, hoặc lúc những người cha, người mẹ sắp từ giã cuộc đời đầy bí ẩn và éo le này.
Thám tử VDT