Năm 2009, các nền kinh tế Châu Á và Châu Mỹ Latinh phát triển năng động hơn nhiều so với Hoa Kỳ, vì thế mua chứng khoán ở các khu vực này là điều không có gì phải bàn cãi: người Mỹ đã đầu tư 46 tỷ USD ra thị trường nước ngoài.
Sự thay đổi này lại gây áp lực đẩy đồng USD xuống giá. Thâm hụt thương mại và ngân sách khổng lồ của Mỹ, chính sách lãi suất thấp của Cục dự trữ liên bang hay vị thế đồng tiền dự trữ thế giới đang dần xói mòn cũng có tác động tương tự.
Đồng bạc xanh từ tháng 3 tới tháng 11 đã mất 17% giá trị so với một giỏ các đồng tiền chủ chốt khác, đợt mất giá lớn nhất kể từ năm 1986. Những nhà đầu tư tránh xa đồng USD cũng nhờ có chuyện tỷ giá mà kiếm được thêm lợi nhuận.
Ví dụ như chỉ số Bovespa của Brazil năm nay đã tăng 85% nếu tính theo đồng bản tệ. Nhưng vì đồng real Brazil cũng tăng giá mạnh nên nếu tính theo đồng USD, chỉ số này đã tăng tới 148% trong năm 2009.
Tuy vậy, vào cuối năm 2009, thị trường tiền tệ lại nhắc nhở thế giới rằng nó bất ổn đến thế nào. Chỉ trong vài ngày, hết chuyện không trả được nợ trái phiếu của Dubai World lại đến Hy Lạp bị hạ đánh giá tín dụng vì nợ công quá cao khiến nhà đầu tư đổ xô đi tìm nơi trú ẩn nơi đồng USD yếu ớt.
Trái phiếu Chính phủ Mỹ được mua mạnh, đồng euro rớt giá trong khi đồng USD tăng 2,5%. Giới đầu tư dự đoán sẽ có thêm những vụ như thế với kết quả là USD tăng mạnh sau đó nhưng kịch bản ấy chẳng thay đổi nổi những dự báo đồng USD sẽ tiếp tục yếu đi.
Tuy vậy, nền tài chính của Anh, Nhật Bản, Nga, Tây Ban Nha, Ukraine và nhiều quốc gia khác đang rất mong manh nên nhiều khả năng thị trường sẽ lại phải chứng kiến những sự kiện thót tim nữa. Vì thế, đồng USD sẽ không có chuyện giảm một mạch.
Vậy nhà đầu tư đối phó thế nào với những rủi ro trước mắt? Những ai miễn nhiễm với những đợt đảo chiều dữ dội như vừa qua có thể vẫn đặt niềm tin vào việc USD mất giá.
Các quỹ nổi tiếng như Tweedy Browne Global Value Fund và Longleaf Partners International đang chào mời các danh mục không bảo hiểm đầu tư chủ yếu vào các chứng khoán không được định giá bằng USD.
Nắm lấy thời cơ
Số nhà đầu tư khác lại muốn có cách phòng ngừa. Nhà quản lý danh mục tại quỹ Huntington International Equity Fund, cô Madalynn Matlock tránh các đồng tiền cô cho rằng sẽ mất giá, cho dù có thích một cổ phiếu cụ thể đến đâu.
Hiện giờ cô không màng tới Brazil vì những động thái gần đây để hạn chế sức mạnh của đồng real, kể cả việc ban hành loại thuế 2% đánh vào các khoản đầu tư nước ngoài. Matlock cũng cho rằng USD sẽ mạnh lên, ít nhất là trong ngắn hạn. Vì “ai ai cũng chống lại nó” nên chuyện hồi phục là không thể tránh khỏi, cô nói.
Quỹ Templeton Global Bond Fund quản lý 23,3 tỷ USD và được xếp vào top 5% những quỹ mang lại nhiều lợi nhuận nhất từ các trái phiếu 3, 5 và 10 năm, đang giao dịch mạnh trên thị trường tiền tệ. Điều này đã giúp quỹ tăng trưởng 18,3% trong năm 2009.
Quỹ Merk Hard Currency Fund chỉ giao dịch tiền tệ thay vì trái phiếu hay cổ phiếu. Trong vòng 3 năm trở lại đây, họ hoạt động tốt hơn tới 99% các quỹ khác với lợi nhuận trung bình 7,3%/năm.
Quỹ này đặt cửa lớn vào đồng krone Na Uy, một quốc gia giàu tài nguyên “có mọi lợi thế ở Tây Âu mà chẳng hề có một bất lợi nào” – nhà quản lý quỹ Axel Merk nói.
Một số quỹ ETF (exchange-traded fund – là một hình thức quỹ đầu tư tập thể lựa chọn danh mục đầu tư mô phỏng theo các chỉ số chứng khoán như S&P 500, Hang Seng Index, theo một ngành nào đó (năng lượng, công nghệ) hoặc theo các loại hàng hóa như vàng hoặc dầu mỏ) đang bắt chước các quỹ giao dịch trên thị trường tiền tệ.
Một ETF như quỹ PowerShares DB G10 Currency Harvest Fund lợi dụng đà biến động bằng cách mua đồng tiền của các quốc gia có lãi suất cao. Nhìn chung các đồng tiền này thường mạnh lên. Quỹ này mua mạnh đồng đôla Australia và đồng krone Na Uy trong khi đó lại bán khống đồng đôla Mỹ và franc Thụy Sỹ.
Chiến thuật “theo đà” này hoạt động tốt trong năm 2009 nhưng với năm 2008 thì không. Với một năm 2010 đầy biến động trước mắt, chuyện tái áp dụng cách chơi này xem ra sẽ khó hơn nhiều.
Minh Tuấn (tổng hợp)
Theo Dantri
Công ty thám tử VDT tại Hà Nội