Thám tử tư VDT Hà Nội 2006.12.18

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Cách đây hai năm, ở Hà Nội, một công ty chuyên điều tra trong lãnh vực dân sự ra đời. Đó chính là Công ty cung cấp thông tin và thương mại Việt, gọi tắt là VDT. Có thể nói đây là công ty thám tử tư thứ hai của Việt Nam.

Một nữ thám tử chiếu đoạn phim đã thâu được khi một người đàn ông đã có vợ ngoại tình với người yêu. AFP PHOTO

Người thành lập công ty này là luật sư Nguyễn Minh Long. Điều đáng chú ý ở đây là công ty còn thu nhận những phụ nữ và đào tào thành thám tử tư. Trang Phụ Nữ kỳ này xin mời quí vị và các bạn nghe những chi tiết lý thú về những nữ thám tử tư này.

Được biết, ngay từ khi thành lập công ty, luật sư Nguyễn Minh Long đã nghĩ ngay đến vai trò và cá tính đặc thù của phụ nữ. Vì thế, anh đã chuẩn bị một kế hoạch tuyển lựa và đào tạo những nữ thám tử. Anh cho biết:

“Một doanh nghiệp nào cũng có đặc thù riêng của nó, về lãnh vực này chúng tôi tổng hợp tất cả những yếu tố của từng cá nhân, không loại trừ bất cứ một cá nhân nào nếu họ đam mê thực sự.

Về tiêu chuẩn thì trước hết phải đam mê trước, rồi yêu nghề và sự trung thực. Đó là những tiêu chuẩn tôi tuyển chọn. Tôi dựa vào khả năng đặc biệt của họ để huấn luyện và giúp cho họ phát huy hết khả năng của họ.”

Nhiều thử thách

Khi hỏi liệu công ty có gặp nhiều khó khăn khi giao việc cho phụ nữ, nhất là nghề này đòi hỏi nhiều thử thách, hơn nữa lại là một nghề rất mới ở Việt Nam, không những vậy, chuyện điều tra, theo dõi để có một thông tin chính xác hầu làm vừa lòng khách hàng là điều hết sức khó khăn. Anh cho hay:

Khi tuyển chọn thì chúng tôi đã lường trước những khó khăn và thuận lợi. Họ khác với nam giới, tuy họ khó khăn ở mức độ nào đó nhưng lại có những thuận lợi để mình cho họ những yếu tố để phát huy lên những công việc mà họ được giao.

Luật sư Nguyễn Minh Long

“Khi tuyển chọn thì chúng tôi đã lường trước những khó khăn và thuận lợi. Họ khác với nam giới, tuy họ khó khăn ở mức độ nào đó nhưng lại có những thuận lợi để mình cho họ những yếu tố để phát huy lên những công việc mà họ được giao.”

Theo lời anh cho biết, các nữ thám tử thường được giao nhiệm vụ điều tra liên qua đến mảng hôn nhân, gia đình là chính. Cũng có chị thì được giao nhiệm vụ theo dõi và giúp đỡ cho các em thanh thiếu niên khỏi vướng vào tệ nạn xã hội theo lời yêu cầu của phụ huynh. Ở vai trò nào, các nữ thám tử đều làm rất tốt. Anh cho rằng: “Người phụ nữ có biết bao đức tính: công, dung, ngôn, hạnh, rất nhiều yếu tố và tôi nghĩ rằng những người phụ nữ Việt Nam rất chịu khó. Có thể có người chỉ cho rằng người phụ nữ chỉ nội trợ, giúp cho chồng làm việc. Nhưng nếu như có một điều kiện nào đó thì họ lại khác, họ có một cá tính rất mạnh mẽ và muốn thể hiện bản lĩnh của mình cũng như công việc của họ…” Hiện nay, công ty của anh rất thành công và được khách hàng rất tin tưởng. Ngoài trụ sở chính ở Hà Nội, công ty còn mở thêm chi nhánh ở TPHCM. Được biết, nữ thám tử cũng như các anh nam thám tử khác đều được trả lương cứng hàng tháng và ăn theo vụ việc. Trung bình, kiếm được khỏang 200 đô la một tháng cho dù có khi phải đối đầu với nhiều tình thế khá nguy hiểm.

Khi Phương Anh hỏi thăm có tất cả bao nhiêu chị em hiện đang công tác tại đây, anh cười và từ chối trả lời vì đó là nguyên tắc giữ bí mật của công ty. Tuy vậy, anh cũng giới thiệu Phương Anh làm quen với một số nữ thám tử chuyên nghiệp. Chị Hương, năm nay 30 tuổi, có mặt từ khi thành lập cho biết: “Thực ra thì nghề thám tử của Việt Nam rất mới, tôi có tính chất ưa mạo hiểm, tôi biết công ty qua một trang báo của Việt Nam và tôi đã xin vào công ty này. Nữ giới làm việc này thì cũng bị hạn chế về mặt sức khoẻ, không bằng nam giới được, nhưng thuận lợi của chúng tôi là nhanh nhẹn hơn và ứng xử kheó léo hơn.”

Thông thường, một số người quan niệm rằng phụ nữ thường ít kín miệng, thế nhưng đối với những nữ thám tử, việc bảo mật thông tin phải lên hàng đầu, ngay cả với chồng hay người yêu cũng thế. Chị nói:

“Công việc của chúng tôi là đặt bảo mật thông tin của khách hàng lên hàng đầu và sự trung thực nữa. Trong nghề thám tử này tuyệt đối không bại lộ, nình phải nhập vai rất nhiều, như là một con tắc kè vậy, muà nào phải thay đổi theo muà đó…”

Với chị, trong hai năm qua, chị đã đóng góp phần lớn ngăn chận được những cuộc đổ vỡ hôn nhân, gìn giữ hạnh phúc gia đình cho các đôi vợ chồng. Bên cạnh đó, còn giúp cho rất nhiều bậc phụ huynh có những thông tin chính xác để ngăn chận con em mình vướng vào các tệ nạn xã hội.

Niềm đam mê

Với cô Nhi, năm nay 26 tuổi, thì cho biết rằng từ hồi nhỏ đã ham thích công việc của thám tử, nhưng chỉ được xem phim truyện hay coi sách báo. Khi biết công ty tuyển lưạ nhân viên nữ, cô liền đến xin gia nhập. Từ đó:

“Em học hỏi được những chuyện trong xã hội rất nhiều, tuy nhiên nghề này rất vất vả với những nữ thám tử, nhất là về thời gian, giờ giấc không nhất định, bất kể lúc nào cũng phải ra đường, bất kể thời gian nào cũng phải đi làm, nên chuyện riêng tư có nhiều cái bất lợi.”

Thực ra thì nghề thám tử của Việt Nam rất mới, tôi có tính chất ưa mạo hiểm, tôi biết công ty qua một trang báo của Việt Nam và tôi đã xin vào công ty này. Nữ giới làm việc này thì cũng bị hạn chế về mặt sức khoẻ, không bằng nam giới được, nhưng thuận lợi của chúng tôi là nhanh nhẹn hơn và ứng xử kheó léo hơn.

Chị Hương, năm nay 30 tuổi

Được hỏi từ ngày trở thành nữ thám tử chuyên nghiệp cho đến nay, điều gì làm cho cô vui, buồn nhất, cô tâm sự: “Khi mình đạt được công việc một cách xuất sắc, đó là niềm vui nhất của em. Còn điều buồn nhất là trước kia em đã từng yêu, và chỉ vì một sơ xuất nhỏ, hiểu lầm của người yêu đã dẫn đến chia tay, vì khi bước vào nghề này, em phải hoá trang rất nhiều, nhiều khi có những chuyện mình không ngờ tới mà nó đã xảy ra, và mình phải tự xử lý tình huống ấy thôi. Chẳng hạn như phải vào nhà nghỉ, em phải đóng vai đi cùng với một đồng nghiệp nam…”

Riêng với chị Hằng, hiện đang làm việc tại chi nhánh của công ty ở TPHCM, thì nói: “Ở Việt Nam thì nghề này nữ thì ít lắm, phải thực sự bản lĩnh, thật đam mê thì mới theo được, vì gặp rất nhiều khó khăn. Hồi đầu tôi vào, cũng run và sợ lắm…sợ gia đình biết, bạn bè..phải giải trình như thế nào?..không biết là mọi người có cảm thông?”

Chị kể lại rằng lần đầu tiên đi nhận nhiệm vụ, chị được phân công vào nghĩa địa ngồi chờ để theo dõi đối tượng. Đi cùng với chị là một đồng nghiệp nam. Đêm khuya thanh vắng, tiếng côn trùng rên rỉ, chị run lên vì sợ ma, chẳng còn hồn vía nào để làm việc, may mà có anh đồng nghiệp nam đi cùng trấn an.

Và sau này, người đồng nghiệp ấy lại trở thành chồng của chị bây giờ. Nhờ thế, công việc của chị hiện nay khá trôi chảy, chị cho hay: “Mọi người cứ bảo là biết đâu từ khó khăn sẽ có thuận lợi mà đúng thật vì bây giờ cả hai vợ chồng cùng làm trong công ty, cảm thông với nhau, nên công việc cũng thuận lợi hơn…”

Một nữ thám tử khác, tên Trinh, ở TPHCM, năm nay mới tròn hai mươi, xin vào công ty làm việc với công việc kế toán. Nhưng sau một thời gian, thấy công việc làm thám tử rất thích thú và hấp dẫn, thế là cô xin chuyển ngành, nhưng trong lòng rất hồi hộp vì: “Cái này em cũng sợ lắm, nói chung khi đi làm nhiều lúc cũng sợ người quen bắt gặp, nhiều khi có nhiều tình huống mà người quen gặp được thì rất khó…cũng có một vài người bạn thân biết em làm nghề này nhưng với gia đình thì em chưa kể rõ lắm, không dám kể rõ chi tiết của việc mình đang làm.”

Khi hỏi có bao giờ cô bị phát hiện trong khi làm nhiệm vụ không, cô cho biết: “Cũng có chứ, có lần đang chạy theo một thanh niên, giữa chừng qua một ngã tư, tự nhiên anh ấy biến đâu mất tiêu, em dừng lại thì anh ấy từ đằng sau chaỵ lại vỗ vai em nói: “ có cần anh chạy chậm lại không?”

Lúc đó em chẳng biết nói gì hết, cứ ngớ người ra, và sợ lắm, cố bình tĩnh trả lời rằng: “không, em đâu có đi theo anh, trên đường cùng đi vậy thôi!” Sau đó, em dạt ra chỗ khác và đi. Khi đó thì công ty có cử đồng nghiệp bí mật theo sau để khi gặp tình huống bất ngờ thì hỗ trợ cho nhân viên nữ, và lúc đó em đi về còn nhân viên nam đi theo dõi tiếp theo…”

Nhiều người quan niệm rằng nữ thám tử là nguy hiểm, nữ thám tử đi đêm về hôm, đóng vai này vai kia, mang tiếng…Nhiều khi chúng tôi làm việc cũng vấp phải những quan niệm như thế. Cũng rất mong mọi người, từ mọi phiá, mọi góc độ, mọi quan điểm nhìn vào cái nghề này với sự khách quan hơn, song phẳng hơn. Chúng tôi chỉ mong như thế.

Chị Hằng

Những khó khăn

Theo lời của những nữ thám tử tâm sự, thì hiện nay, xã hội Việt Nam vẫn chưa chấp nhận nghề thám tử này, có những chị em vẫn chưa được gia đình chấp nhận, thậm chí có chị còn bị người yêu chia tay, bị chồng cằn nhằn bắt bỏ nghề. Chị Hằng cho biết: “Nhiều người quan niệm rằng nữ thám tử là nguy hiểm, nữ thám tử đi đêm về hôm, đóng vai này vai kia, mang tiếng…Nhiều khi chúng tôi làm việc cũng vấp phải những quan niệm như thế. Cũng rất mong mọi người, từ mọi phiá, mọi góc độ, mọi quan điểm nhìn vào cái nghề này với sự khách quan hơn, song phẳng hơn. Chúng tôi chỉ mong như thế.”

Còn cô Nhi thì mong mỏi: “Trong cuộc sống, mọi người nên nhìn hai mặt. Đánh giá một con người không phải là đơn giản. Để kết luận một điều gì đấy là phải suy nghĩ, nếu chưa chắc chắn một điều gì thì hãy đừng nên kết luận người ấy là tốt hay xấu…”

Riêng cô Trinh thì tâm sự rằng: “Em suy nghĩ chín chắn hơn, mình học và nắm bắt được nhiều thông tin hơn, phải nắm được những thông tin trên thị trường, chẳng hạn về kinh tế, xã hội, để khi đi làm có thể giao tiếp với mọi người, để có thể giải quyết những tình huống liên quan đến công việc.

Nói chung, kiến thức của em ngày càng nhiều hơn. Bản thân em bình tĩnh và mạnh mẽ hơn. Em mong mọi người có một quan niệm thoáng hơn về nghề này, nói chung là không định kiến xấu về nó, đặc biệt là đối với nữ thám tử…gia đình, hay người yêu nên thông cảm với mình.”

Quí vi vừa nghe tâm tình của một số chị em đang là những nữ thám tử tư. Quả thực, khó ai có thể hình dung công việc của nữ thám tử khó khăn như thế nào. Làm việc bất kể thời gian, tinh thần căng thẳng, lại còn phải hóa trang muôn hình muôn vẻ sao cho đối tượng không nhận ra mình, ngoài ra, có khi còn bị gia đình, bạn bè hàng xóm láng giềng hiểu lầm khi đang thi hành nhiệm vụ. Mong rằng rồi đây dư luận xã hội sẽ thông cảm hơn với nghề nữ thám tử này.

Trang Phụ Nữ xin chấm dứt nơi đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ sau.

Công ty thám tử VDT


Facebook
Twitter
LinkedIn
Telegram
Pinterest

Tham khảo thêm

Dịch vụ thám tử