“Thám Tử Tình”. Đó là biệt hiệu mới nhất mà chị Hai dùng để gọi tôi.

Mỗi thời điểm, tùy theo “chức năng”, tôi được phong tặng một tên riêng.

Lúc còn bé, ở lớp, lũ bạn gọi tôi là Yên Méc. Chúng bảo: Méc là nghề của tôi. Cái gì tôi cùng… méc. Từ chuyện lật tập xem bài trong giờ kiểm tra, vào lớp bằng đường cửa sổ, nói chuyện trong lúc cô giảng bài, v. v… Thậm chí cho đến chuyện có đứa “ách xì”, tôi cũng méc. Chúng bảo chừng nào cả lớp đều được nếm mùi méc, tôi mới vừa lòng. Nhưng, khi tôi sắp “hành tội” người thứ ba mươi thì bị “dị ứng”. Nhờ tôi… méc, cô chủ nhiệm đã bắt quả tang Tuấn đang dán tờ giấy có hai chữ “của nợ” lên lưng Thái. Cô bắt Tuấn quì gối. Giờ về, nó đuổi theo tôi và dùng thước quất một cái vào mông tôi như… trời đánh. Mặc tôi kêu khóc ầm ĩ, trước khi bỏ đi, nó còn hăm dọa:

– Còn méc, thì… tới số với tao!

Nhưng, tôi vẫn… méc bà nội. Bà chạy qua bên nhà Tuấn mắng vốn. Tuấn bị mẹ đánh hết mấy cây. Nó hết dám hung dữ. Dù vậy, miếng đòn ấy vẫn trị tuyệt căn bịnh… méc của tôi. Vào lớp, có sự cố gì, ai hỏi, tôi cũng lắc đầu: “Không biết”. Thế là lũ bạn đặt tên mới cho tôi là: Yên Ngố.

Tại nhà, tôi cũng có nhiều tên độc đáo “Yên Mộng Du”, “Yên Ung Vặn”.

Đang ngủ, thỉnh thoảng tôi bật dậy đi ra bàn học. Tôi mở tập, đọc một tràng rồi quay về giường… ngủ tiếp. Có khi, tôi ra sau bếp, quét dọn lia lịa rồi trở vô… mùng tiếp tục ngáy. Sợ quá, ba mẹ đưa tôi đi khám bệnh. Bác sĩ bảo chẳng hề gì, cứ để tôi vừa ngủ vừa đi tùm lum.

Ngoài ra, tôi còn có thói quen ăn vụng. Đi học về, vừa đặt cặp da xuống là tôi lẻn ra sau bếp, mở tủ, đút đầu vào tìm thức ăn. Tôi sẵn sàng bóc trộm một con tép rang hay miếng cá kho hoặc vài cọng đậu xào, mặc cho bà nội ca cẩm:

– Con gái gì không nên nết.

Tôi vẫn cứ… ung vặn. Bởi lẽ, cái gì cấm, thông thường quyến rũ hơn cả. Món gì lén nếm thử đều ngon hơn được tự do ăn uống. Riết rồi bà tôi chịu thua, bà tiên đoán:

– Thế nào con Yên cũng ở giá. Cưới nó như rước con mèo hai chân về ăn vụng rồi ngủ. Mà ngủ nó cũng làm cho người ta hết vía.

Nhưng, bây giờ, bà đã cảm thấy sự có mặt của tôi là cần thiết. Bà biến tôi thành cánh tay đắc lực của bà để chặn đứng phần nào sự bồng bột của chị Hai tôi khi chớm yêu. Chị Hai có bồ! Bắt được tin ấy, bà bủn rủn cả người. Bà rên rỉ suốt ngày:

– Nó giống mẹ nó, chỉ biết yêu!

Bà quả quyết thế nào chị Hai tôi cũng đã tỏ tình trước với người ta, như mẹ tôi ngày xưa. Mặc dù, đã có biết bao lần ba tôi đính chánh rằng chính ông đã nói “Anh yêu em” rồi mẹ tôi mới đáp là “Em yêu anh”. Nội kết luận:

– “Gien” nào… giống nấy mà!

Do vậy, bà phân công cho tôi theo dõi chị Hai: “Bám sát, lắng nghe, ghi nhớ và… méc với bà”. Tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Vì thế, chị Hai giận dỗi, ban cho tôi cái tên ác ôn “Thám Tử Tình”.

Thật chẳng oan ức chút nào. Vừa thấy bóng anh Thạch, anh chàng sinh viên Văn khoa lấp ló ngoài rào, tôi đã chuẩn bị… công tác. Chị Hai chạy ra mở cổng. Hai người không vào nhà mà ngồi đối diện nhau dưới gốc cây hoàng điệp trong vườn. Anh Thạch ngắt một cánh hoa đưa lên mũi rồi âu yếm trao cho chị Hai là tôi… xuất hiện. Tôi ung dung ngồi bên anh Thạch, mở tập ra, đọc um sùm. Anh có vẻ ngạc nhiên, đưa mắt nhìn “người yêu”. Chị tôi bực bội gắt:

– Con quỉ! Mày làm gì vậy hả?

Tôi thản nhiên đáp:

– Em học bài.

– Hết chỗ mầy học rồi sao?

– Còn, nhưng…

Anh Thạch bẹo má tôi:

– Định phá anh phải không?

Đỏ mặt, tôi bào chữa:

– Ơ, tại bà nội… biểu em theo dõi chị Hai.

Trố mắt nhìn tôi, anh Thạch gạn hỏi:

– Chi vậy?

– Nội sợ… chị Hai nói “Em yêu anh” trước khi anh nói “Anh yêu em”.

Cả hai cùng cười. Anh Thạch xoa đầu tôi:

– Vậy thì em nói với nội là anh đã nói anh yêu chị Hai trước nha.

Chị Hai càu nhàu:

– Bây giờ, mầy có chịu đi chỗ khác chưa?

– Đâu được! Em phải nghe chị với anh Thạch nói chuyện đặng chút nữa kể lại cho bà nghe.

Anh Thạch bật cười:

– Nhưng, em đọc um sùm thì làm sao nghe được. Phải im lặng mới tiếp thu đầy đủ chứ.

Nghĩ cũng đúng, tôi không còn gào lên nữa mà nín thinh theo dõi.

Anh Thạch ngửa mặt nhìn trời. Giây lâu, anh mới chịu mở miệng.

– Bình Minh, tên của em làm cho buổi chiều không còn thi vị đối với anh.

Cười mím chi, chị Hai liếc mắt tình tứ:

– Xí, trời chiều mới đẹp chứ.

– Nắng sáng tuyệt hơn!

– Mùa này mưa nhiều hơn nắng.

– Ừ, mùa Thu phải thế. Nắng hiếm mới quí.

Bực quá, tôi chen vào:

– Thôi, anh chị nói chuyện khác đi, mưa với nắng mãi.

Cả hai giật mình. Có lẽ họ nhớ ra còn có tôi ngồi bên. Anh Thạch cười to:

– Em thích anh nói chuyện gì nè?

Tôi chớp mắt:

– Chuyện tình yêu ấy!

Hai má của chị tôi bừng đó, chị chồm tới cốc vào đầu tôi một cái:

– Con quỉ! Mầy xúi lát nữa… méc phải không?

Tôi chưa biết trả lời sao thì anh Thạch đã lên tiếng:

– Ừ, vậy thì anh sẽ nói chuyện tình. Cô bé Bình Yên ơi, cô có biết ngày xưa, cây hoàng điệp này chính là hiện thân của một nàng công chúa sắc nước hương trời không?

Tôi xuýt xoa:

– Sướng quá hén, nàng vừa đẹp lại vừa… giàu.

– Không đâu, đời nàng đầy bất hạnh vì lỡ yêu một kẻ thường dân. Một anh chàng nho sinh vô danh, nghèo khổ. Biết được, nhà vua ngăn cấm, ông giam giữ nàng trong điện ngọc nguy nga, lộng lẫy. Quanh nàng là một hàng rào tàn nhẫn. Đó là các nàng cung nữ và bọn thái giám. Công chúa không có cách gì gặp người yêu. Nàng võ vàng vì nhớ và tuyệt vọng. Công chúa đã chết vì yêu và linh hồn nàng biến thành một loại cây trổ hoa vàng tuyền. Người ta gọi là “hoàng điệp” để tiếc nhớ nàng công chúa đã qua đời.

Tôi sốt ruột ngắt lời anh:

– Còn chàng trai thì sao?

– Chàng nào biết người yêu đã chết nên cứ chờ cho đến khi hóa đá.

Tôi chắc lưỡi:

– Tội nghiệp ghê! Không ai giúp họ sao anh Thạch?

– Không. Người ta còn… theo dõi để tâu lại đức vua nếu họ hẹn hò.

Chị Hai cười cười:

– Bình Yên, mầy hợp với chức… thái giám lắm. Chuyên môn giết tình yêu!

Biết là hai người chế giễu tôi, vừa xấu hổ vừa giận dỗi, trước khi bỏ chạy vào nhà, tôi hăm he:

– Em sẽ méc nội là chị nói “Em yêu anh” trước khi anh Thạch tỏ tình.

Dù dọa dẫm thế nhưng tôi đâu nỡ xuống tay. Khi nội thăm dò, tôi chỉ kể lại chuyện nắng mưa mà hai người trao đổi. Bà lại nghi ngờ, bà sợ họ sẽ nói “bậy bạ” nếu có dịp đi chơi xa. Và, bà liền phân công cho tôi tiếp tục bám sát đối tượng bất cứ khi nào, ở đâu. Vì vậy, khi anh Thạch xin phép ba mẹ tôi cho anh đưa chi Hai đi Mỹ Long xem cúng biển, bà liền phái tôi… cùng đi.

Nhưng, bà tôi đã tính sai nước cờ. Anh Thạch không đi một mình mà dẫn theo một ông bạn. Chàng sinh viên nầy có vẻ là vận động viên hơn. Bộ tướng “bậm trợn” còn hơn… tôi. Mái tóc của hắn xoăn tít, đen mun, trông giống như lông cừu. Cặp mắt tròng đen ít hơn tròng trắng. Mỗi khi hắn nhướng mắt lên, tôi nổi gai ốc cùng mình. Sóng mũi dọc dừa hẳn hoi. Cả khuôn mặt hắn chỉ có hàm răng là sáng giá. Mấy cây răng trắng bóng đứng xếp hàng đều tăm tắp, khiến cho nụ cười của hắn có duyên chi lạ. Nhưng, hắn lại chào tôi một câu vô duyên hết biết:

– Chào Thám Tử Tình!

Không thèm ngó tới bản mặt hắn, tôi “xì” một tiếng thật dài rồi leo lên xe một nước. Đây là chiếc xe được nhóm sinh viên thuê bao để đi tham quan cảnh cúng biển. Nó chỉ có khả năng mang mười hai người nhưng có lẽ ai cũng có mang “Thám Tử” theo nên có tới gần hai chục mạng. Chúng tôi phải ngồi ép sát nhau như nhận mắm. Chẳng biết vô tình hay cố ý mà con mắm “tóc quăn” ngồi gần con mắm… thám tử. Hắn trở thành bức rào chắn giữa chị Hai và tôi. Tôi không còn cách gì nghe anh Thạch rù rì với bà chị của mình mà phải lắng nghe hắn nói xàm:

– Bình Yên nè, tên nhỏ đẹp ghê!

Y chang ông Thạch lúc tán chị tôi. Đang lâng lâng vì lời khen ấy thì hắn tiếp:

– Nhưng, không hợp với nhỏ.

Tôi trừng mắt:

– Sao vậy?

– Nhỏ sôi nổi, thích gây sóng gió. Đáng lẽ phải tên Phong Ba mới đúng.

Quay mặt ra chỗ khác, tôi nhìn hàng cây chạy ngược chiều ngoài cửa xe, làm bộ không nghe. Nhưng hắn nào chịu để tôi yên:

– Bình Yên, em dễ thương tựa vạt nắng ban trưa.

– Xí.

– Anh thích nắng ấm như thế, vàng cháy, uốn cong mấy sợi tóc của anh. Em còn giống cơn mưa bóng mây chợt đến, ào ạt mà hiền dịu.

– Lại mưa với nắng. Con trai một duộc như nhau! Anh có chuyện gì lạ hơn không?

– Nhỏ thích anh nói chuyện gì?

– Như tên anh chẳng hạn?

– À, tên anh đẹp lắm. Công Bằng, một mơ ước của mọi người.

– Trừ tôi.

– Vậy nhỏ thích bất công sao?

– Không phải, nhưng cái gì mình có rồi còn mơ ước làm gì.

– Tuyệt quá! Vậy, quanh nhỏ toàn là những người tốt. Một môi trường hiếm có.

Thật là lẫn thẫn, làm gì được như anh nói. Mấy từ “Công bằng, bác ái, chí công, vô tư” mãi mãi là những điều cần phải được nhắc nhở. Như tội gì tôi chẳng tô hồng cuộc đời mình.

Chiếc xe thắng gấp, xô ngã tôi vào vai anh. Cả hai cùng cười. Có tiếng reo:

– Tới rồi! Ôi, đông vui quá!

Mỹ Long rộn ràng, nhộn nhịp. Người qua kẻ lại tấp nập. Những khuôn mặt háo hức nhìn ngắm biển và biết bao đôi mắt tò mò dòm ngó du khách chúng tôi. Công Bằng kéo tay tôi chạy đuổi theo đoàn người phía trước. Một đám rước sắp khởi hành. Tiếng chiêng, trống, phèng la vang lên inh ỏi, gợi cảm giác hồi hộp, náo nức khác thường.

Bằng giải thích:

– Đây là lễ “Nghinh Ngũ Phương” tương tự như lễ “Nghinh Nam Hải” nhưng thay vì làm lễ dưới thuyền thì người ta sẽ… đi vòng vòng trên bờ.

Nhón chân, nhìn phía trước, tôi hỏi:

– Nghinh Ngũ Phương là gì vậy anh?

– Nghe đâu, Ngũ Phương là chỉ Ngũ hành nương nương tức là năm bà: Thủy, Hỏa, Mộc, Thổ, Kim đó mà.

Chỉ về phía chiếc kiệu có một người hóa trang Quan Thánh ngồi trong đó, tôi hỏi:

– Nhưng sao trong kiệu lại là một ông chứ không phải năm bà?

Bằng cười rúc rích:

– Có lẽ Quan Thánh đi rước năm bà.

Tôi che miệng cười theo:

– Bậy bạ, tội chết, anh rước năm bà thì có.

Một người đàn ông lớn tuổi đứng gần chúng tôi xen vào:

– Không phải đâu cô cậu ơi! Nghinh Ngũ Phương là lễ rước những vong linh mồ xiêu mã lạc ở khắp nơi về nhận “Diêm mễ”

– Diêm mễ là gì vậy ông? Tôi kinh ngạc hỏi.

– Là gạo muối hay bất cứ thứ gì dân vùng biển đem cúng.

– Người sống cũng có lòng với người đã khuất ghê hả anh?

Bằng gật gù:

– Vậy mới… công bằng.

– Xí! Tôi nguýt dài gã con trai “cơ hội”.

Nắng đổ lấp lóa trên mặt đường, đốt nóng khí trời và hong khô môi tôi. Chắc lưỡi, tôi than:

– Khát nước quá!

– Đừng đi theo họ nữa, mình ghé quán uống nước đi Bình Yên. Bằng đề nghị. Chợt nhớ tới chị Hai, tôi đưa mắt nhìn quanh. Chẳng thấy ai quen ngoài Bằng. Tôi kêu lên:

– Chết rồi. Chị Hai đi lạc!

Bằng phì cười:

– Mình lạc thì có.

– Rồi làm sao?

Bằng cười hóm hỉnh:

– Đôi bên cùng có lợi chứ sao. Chiều, ra bến xe sẽ gặp lại. Lo gì!

Cấu mạnh vào vai anh, tôi trợn mắt:

– Ạ, ạ… Thì ra nhà ngươi có âm mưu “ám muội” phải không?

Bằng nắm lấy tay tôi:

– Em hãy là Bình Yên chứ đừng làm Thám Tử Tình, bé cưng!

Xa xa, sóng vỗ rì rầm, ào ạt xô bờ. Dòng người đông đúc nhưng bé nhỏ trước đại dương. Họ đưa chiếc thuyền con kết bằng bẹ chuối ra mí nước. Trên đó, một chú heo quay kiêu hãnh khoe màu da vàng cháy, giòn rụm. Quà tặng của con người gởi về biển cả! Chút nữa người ta sẽ “tống tàu”. Họ sẽ đứng nhìn bóng “tàu” ra khơi, dần khuất và an lòng với ý nghĩ người và biển gần gũi, thân thiết làm sao. Lòng tôi bỗng dưng xao động. Những đợt sóng lòng hòa nhịp cùng tiếng hát muôn đời của biển, vừa êm đềm, vừa kì bí, vừa dữ dội vừa quyến rũ lạ lùng. Tôi len lén rút tay về. Nhưng, tôi biết, có một cái gì vô hình đã buộc chặt tôi vào anh. Và tôi tưởng tượng:

Chiều, nội ra ngõ đón với câu hỏi:

– Mầy có thấy gì lạ không? Bình Yên.

– Nội ơi, con thấy một điều lạ lắm. Tình yêu thật tuyệt vời dù không ai nói “ Anh yêu em” hay “Em yêu anh”.

Thế nào nội cũng kinh hoàng kêu lên:

– Trời! Vậy chắc tao phải đích thân theo dõi bọn bây mới được.

Và, lúc bấy giờ, “Thám Tử Tình“ sẽ là… Bà nội.

Nguồn xaluan

Facebook
Twitter
LinkedIn
Telegram
Pinterest

Tham khảo thêm

Dịch vụ thám tử